CUộC SốNG độC THâN CủA NGHệ Sĩ TUYếT THANH 'BàI CA Hà NộI'

Nghệ sĩ Tuyết Thanh, giọng ca nhạc đỏ nổi tiếng một thời, ở một mình hơn 30 năm qua, thích bật tivi để có tiếng người trong nhà.

Trong khu tập thể cũ ở phố Thái Thịnh (Hà Nội), nơi ở của nghệ sĩ Tuyết Thanh nằm trên tầng hai, rộng khoảng 38 m2, đầy đủ tiện nghi, không gian gọn gàng, thoáng mát. Bên ấm trà pha dở, Tuyết Thanh nói gần đây nhận nhiều lời hỏi thăm, chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả ở khắp nơi vì bà được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân hồi tháng 3. Đọc những dòng công chúng nhắn gửi không quên giọng hát Tuyết Thanh qua các ca khúc như Bài ca Hà Nội, Tiếng hò trên đất Nghệ An, nhiều lần bật khóc. Nghệ sĩ 82 tuổi vui vì sau bao năm vẫn được nhớ đến.

Cuộc đời Tuyết Thanh thăng trầm nhưng bà luôn hướng về điều tích cực. Nghệ sĩ kết hôn ở tuổi 27, chia tay sau 5 năm chung sống. Khi ấy, con gái bà mới bốn tuổi. Trước đó, Tuyết Thanh nghe lời bố nên cố gắng cân nhắc, song thấy không thể duy trì thêm, bà xin phép cụ được ly hôn. Nghệ sĩ nhớ mãi câu nói của bố: "Cái gương đã rạn nứt rồi, con cố hàn cho lành. Nếu không được, đập nó vỡ tan rồi mua gương mới''. Tuyết Thanh bảo chuyện tình của bà kết thúc mà không có tiếng cãi vã, trách móc, có lẽ do hai người đã hết duyên.

Sau biến cố, bà suy sụp mất hai năm, chỉ còn 36 kg. Được một số người anh ở Hội nghệ sĩ động viên, Tuyết Thanh đi diễn trở lại, bắt đầu từ các tỉnh xa đến gần. Nghệ sĩ dần nguôi ngoai, lấy lại niềm vui nhờ công việc. Năm 1993, bà nghỉ hưu ở Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam cũng là lúc con gái lấy chồng. Tuyết Thanh nhớ mãi ngày tiễn con đi, về nhà thấy cảnh ngổn ngang, bà không ngăn được nước mắt. Con theo chồng sang Pháp sống, bà ở một mình từ đó đến nay.

Cuộc sống riêng không suôn sẻ, nghệ sĩ học cách chấp nhận, bình thản trước mọi biến cố. Hơn 30 năm qua, bà đối diện căn bệnh tiền đình, nói tiền thuốc nhiều hơn chi phí ăn uống, sinh hoạt. Ở tuổi 82, tháng nào bà cũng dành khoảng hai triệu đồng mua thuốc. Vì tuổi cao, bà chuyển từ phố Trung Tự sang Thái Thịnh sống gần họ hàng từ năm 2017 để tiện những lúc ốm đau. Dẫu vậy, mọi sinh hoạt của Tuyết Thanh chủ yếu diễn ra một mình. Nói đến đây, bà thoáng buồn nhưng vẫn tự nhủ: "Mình bị bệnh thì phải tự lo, ai lo cho mình được".

Tuyết Thanh mở tivi nhiều mỗi lúc ở nhà, chỉ để nghe thấy tiếng người. Đôi khi, bà không theo dõi nội dung chương trình đang phát sóng nhưng vẫn bật cho đỡ buồn, lạc lõng. Thời gian còn lại, Tuyết Thanh dành cho công việc. Nghệ sĩ nói vui rằng bản thân tuổi ngựa nên thích đi, hễ nằm nhà lại ốm.

Ý thức mình có bệnh nên bà chú trọng tập thể dục. Tuyết Thanh nhớ thời gian ở khu tập thể Trung Tự, hôm nào bà cũng lắc vòng 1.000 cái. Gần bảy năm qua, nghệ sĩ không còn tập bộ môn này nhưng mỗi sáng đều xoa chân, tay nhẹ nhàng. Bà thường đi ngủ lúc 22h30, thức dậy lúc 4h30. Tuyết Thanh bảo nhiều người cứ có bệnh là than thở về cái chết, thấy vậy, bà lại "mắng" để họ bỏ suy nghĩ tiêu cực. Nghệ sĩ tự nhận duy tâm, tin rằng Trời Phật cho sống đến đâu thì hưởng đến đấy, song luôn giữ thái độ lạc quan, chủ động cải thiện sức khỏe. ''Tôi không muốn chết nên chăm vận động lắm'', bà cho hay.

Ở tuổi lão, bà nhớ nhiều về những năm tháng được mang tiếng hát đến đông đảo người dân qua sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Giai đoạn 1965-1990, Tuyết Thanh là giọng ca tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng, có âm sắc trong trẻo, thể hiện được những quãng cao. Bà từng nhiều lần được hát phục vụ trong thời gian cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuyết Thanh không thể kể hết kỷ niệm thời "tiếng hát át tiếng bom", song bà nhớ như in lần đầu được hát các sáng tác mới trên sóng phát thanh. Bài ca Hà Nội là một trong số niềm tự hào của bà. Năm 1967, thời điểm quân đội Mỹ bắn phá thủ đô ác liệt, các nghệ sĩ thường xuyên phải túc trực ở phòng thu của Đài để đảm bảo đường truyền sóng không bị gián đoạn. Một buổi trưa, khi đang cùng các đồng nghiệp ở hầm trú ẩn, Tuyết Thanh nghe thấy tiếng reo hò của mọi người. Bật nắp hầm lên, bà chứng kiến cảnh tượng máy bay Mỹ bốc cháy. Khi ấy, nhạc sĩ Vũ Thanh cũng có mặt, lập tức viết lời cho Bài ca Hà Nội. Ca khúc hoàn thành, Tuyết Thanh là người đầu tiên thể hiện. Hai tiếng sau, bản thu được phát sóng.

Đi qua giai đoạn nhiều gian khó nhưng đầy tự hào, giờ đây Tuyết Thanh tiếp tục truyền lại "lửa nghề" cho lớp trẻ. Thời của bà, ngoài tập thu thanh, các nghệ sĩ phải luyện thêm thanh nhạc, đọc, viết ký xướng âm, học hòa âm, hòa thanh. Với kiến thức sâu rộng được tích lũy bao năm, bà nhiệt thành chỉ cho học sinh cách thể hiện đúng nốt, làm sao truyền tải đủ tinh thần bài hát.

Hiện trong tuần, Tuyết Thanh dạy học ba ngày tại nhà, mỗi buổi có thể lên đến hai tiếng. Bà cho biết duy trì việc dạy phần vì yêu nghề, hai là muốn trí não được hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, nghệ sĩ thích giao lưu, lắng nghe quan điểm lớp trẻ để cập nhật xu thế phát triển hiện nay. Tuyết Thanh vẫn dùng mạng xã hội để đọc những bài viết, bình luận của công chúng, từ đó mở mang suy nghĩ, cách nhìn về một vấn đề trong xã hội.

Phương Linh

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-24T17:26:54Z dg43tfdfdgfd