LươNG THùY LINH LàM đạI Sứ NGàY SáCH VIệT NAM

Lương Thùy Linh - Miss World Vietnam 2019 - làm đại sứ Ngày sách và văn hóa đọc lần ba, góp phần truyền cảm hứng cho độc giả trẻ.

Cô được công bố là một trong 10 đại sứ nhiệm kỳ 2024-2025, ở lễ khai mạc chuỗi sự kiện tôn vinh văn hóa đọc sáng 19/4. Ban tổ chức chọn Lương Thùy Linh vì cô từng là tác giả Trạm đọc - dự án chia sẻ, khẳng định vai trò quan trọng của sách với giáo dục, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách cho học sinh.

Lương Thùy Linh cho biết vai trò mới khiến cô hạnh phúc song cũng áp lực hơn với trách nhiệm góp phần thúc đẩy thói quen đọc cho người trẻ. Ngoài đồng hành các hoạt động của ngày hội, cô sẽ tích cực đăng trích dẫn hay, giới thiệu tác phẩm đáng chú ý trên các nền tảng mạng xã hội.

Người đẹp 24 tuổi, quê Cao Bằng, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội. Năm 2019, cô gây chú ý với hình thể nổi bật, chiều cao 1,77 m khi đăng quang Hoa hậu thế giới Việt Nam (Miss World Vietnam). Cùng năm, cô vào top 12 Miss World. Cô được mời làm host phần thi Người đẹp Nhân ái và Head to Head Challenge tại Hoa hậu Việt Nam 2020, giám khảo Miss World Vietnam 2021. Hồi tháng 4, cô được công bố là đại sứ của Tiếp sức mùa thi - chương trình do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.

Ngoài Lương Thùy Linh, chín đại sứ văn hóa đọc còn lại ở TP HCM gồm ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường Sách TP HCM, Nguyễn Nhật Ánh - tác giả best-seller của nhiều đầu sách thiếu nhi, tuổi mới lớn, sư cô Suối Thông - tác giả Thả trôi phiền muộn, Sống đời bình an, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Phương Huyền, Tiểu Quyên, doanh nhân Lê Trí Thông, em Huỳnh Anh Thư - công dân trẻ tiêu biểu TP HCM năm 2023.

Ban tổ chức cũng công bố thành lập câu lạc bộ Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM, do tác giả Nguyễn Đình Tư, 102 tuổi, làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ là nơi tạo điều kiện sinh hoạt chung cho các đại sứ qua các nhiệm kỳ, giúp họ chung tay lan tỏa giá trị sách đến người dân. Họ sẽ góp ý các chính sách, chủ trương, góp phần nâng cao tỷ lệ đọc sách và phát triển văn hóa đọc của thành phố.

Sự kiện năm nay diễn ra từ ngày 17 đến 22/4, có hơn 300 hoạt động được tổ chức tại Thủ Đức và 21 quận huyện, tăng 50% so với năm ngoái. Không gian được thiết kế theo chủ đề Mở cửa trí thức, trải dài từ Công trường Công xã Paris đến đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1). 31 đơn vị cùng 42 gian hàng mang đến gần 50.000 sách đa dạng thể loại.

Nhiều buổi giao lưu, tọa đàm về sách được tổ chức. Chiều 19/4, chương trình giao lưu Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện, do Sở Thông tin và Truyền thông cùng Nhà xuất bản Quân đội nhân dân thực hiện, diễn ra tại sân khấu chính ở Công trường công xã Paris. Tối 20/4, đơn vị 1980Books giới thiệu tác phẩm Thiết lập não bộ thứ hai. Sáng 21/4, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có buổi trò chuyện, ký tặng, do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Tối cùng ngày, chương trình giao lưu cùng câu lạc bộ Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM diễn ra song song talkshow Sách nói - âm thanh tri thức.

Ngày sách Việt Nam được tổ chức lần đầu năm 2014. Ba năm sau, Chính phủ đổi tên thành Ngày sách và Văn hóa đọc. Năm 2022, sự kiện được tổ chức trên cả nước sau hai năm trì hoãn vì dịch. Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của sách đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển phong trào đọc sách. Tại Hà Nội, năm nay, sự kiện được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 17 đến 21/4, với nhiều triển lãm, tọa đàm, giới thiệu cho bạn đọc trên 40.000 đầu sách.

Mai Nhật

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-19T08:12:03Z dg43tfdfdgfd