Bổ SUNG SắT, CANXI, DầU Cá Có THể GâY KíCH ứNG Dạ DàY THế NàO?

Sắt, canxi, magie hay dầu cá... đều là những vitamin, khoáng chất cần thiết nhưng có thể tác động mạnh tới dạ dày nếu dùng quá liều.

1. Sắt

Cơ thể cần sắt để tạo ra huyết sắc tố - một loại protein có trong tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể. Khi không được cung cấp đủ, bạn có thể bị thiếu máu do thiếu sắt, có thể gây ra một loạt triệu chứng, bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, tim đập nhanh... Tuy nhiên, chất bổ sung sắt có thể có những nhược điểm riêng, đặc biệt nếu bạn dùng với liều lượng cao.

Raj Dasgupta, chuyên gia dinh dưỡng, cố vấn y tế trưởng của Fortune recommends Health, cho biết: "Các chất bổ sung sắt thường được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt, nhưng chúng có thể tác động mạnh lên niêm mạc dạ dày, gây buồn nôn, táo bón hoặc co thắt dạ dày".

David D. Clarke, một bác sĩ được hội đồng chứng nhận chuyên về nội khoa và tiêu hóa, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Rối loạn Tâm sinh lý, khuyên bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu bổ sung sắt. Ông lưu ý rằng bạn dễ bị tác dụng phụ nhất khi dùng sắt vượt quá 17 mg mỗi ngày.

2. Canxi

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), 22% nam giới và 32% phụ nữ thường xuyên dùng thực phẩm bổ sung có chứa canxi. Bên cạnh việc cải thiện sức khỏe của xương, loại khoáng chất này còn được cho là có lợi cho tim, cơ và dây thần kinh.

Dasgupta cho biết: "Bổ sung canxi rất tốt để hỗ trợ sức khỏe xương và ngăn ngừa loãng xương, nhưng đôi khi chúng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như táo bón hoặc đầy hơi. Đặc biệt, chất bổ sung canxi cacbonat có thể dẫn đến khó chịu ở dạ dày và đầy hơi nếu dùng với liều lượng lớn".

Theo Clarke, sử dụng liều lượng vượt quá 1.500 mg mỗi ngày rất có thể gây hại cho dạ dày hoặc gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa. Ngoài ra, cần tính cả lượng canxi trong chế độ ăn uống khi xem xét tổng lượng canxi hàng ngày.

3. Magie

Magie phục vụ một loạt mục đích quan trọng trong cơ thể. Nhà xuất bản Y tế Harvard viết: "Nó tham gia vào hơn 300 phản ứng hóa học trong cơ thể. Cơ bắp cần khoáng chất này để co bóp, dây thần kinh cần nó để gửi và nhận thông điệp. Nó giữ cho tim đập đều đặn và hệ thống miễn dịch mạnh mẽ".

Dasgupta nói magie có thể an toàn khi dùng bằng đường uống với lượng được khuyến nghị hàng ngày. Tuy nhiên, hầu hết mọi người có thể nhận được tất cả lượng magie cần thiết thông qua tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, đậu, các loại hạt và cá. Việc sử dụng chất bổ sung có thể gây ra các vấn đề về dạ dày.

Đặc biệt, tiêu thụ quá nhiều magie "có thể gây khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa và đầy hơi", Dasgupta cảnh báo.

4. Vitamin C (Axit ascorbic)

Vitamin C, được tìm thấy trong trái cây họ cam quýt, trái kiwi, cà chua, ớt cùng các loại trái cây, rau quả khác, rất tốt cho việc tăng cường trao đổi chất và miễn dịch. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây hại cho dạ dày khi bạn tiêu thụ quá mức.

Dasgupta nói: "Quá nhiều có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây tiêu chảy, buồn nôn hoặc đau bụng. Nếu bạn đã bị đau dạ dày, tính chất axit của vitamin C có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là uống khi bụng đói".

Theo Clarke, dùng vitamin C trên 1.000 mg mỗi ngày có thể dẫn đến đau bụng và tiêu chảy.

5. Dầu cá

Cá béo, bơ, hạt chia và các loại hạt đều là nguồn cung cấp axit béo omega-3 tốt. Nhiều người cũng dùng thực phẩm bổ sung dầu cá, giúp họ đạt được mục tiêu về lượng dầu cá khuyến nghị mà không cần thêm các loại cá có thể chứa thủy ngân vào chế độ ăn uống.

Tuy nhiên, Dasgupta cho biết: "Dầu cá rất giàu axit béo omega-3, có lợi cho tim và giảm viêm, nhưng nó có thể gây buồn nôn, khó tiêu hoặc tiêu chảy, đặc biệt khi dùng liều cao".

6. Chiết xuất trà xanh (GTE)

Chiết xuất trà xanh (GTE) thường được quảng cáo như một chất bổ sung chữa bệnh có thể hạ huyết áp, cải thiện cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim, giảm nguy cơ ung thư... Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra các vấn đề về dạ dày, Dasgupta nói.

Ông cảnh báo: "Chiết xuất trà xanh rất giàu chất chống oxy hóa và thậm chí được quảng cáo có tác dụng giảm cân, nhưng caffeine trong đó có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày và kích thích niêm mạc dạ dày, dễ gây buồn nôn hoặc các vấn đề về tiêu hóa, thậm chí làm tổn thương gan trong những trường hợp nghiêm trọng".

Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho biết thêm rằng một số người dùng thực phẩm bổ sung chiết xuất trà xanh bị "buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng và chướng bụng". Ngoài ra, việc tiêu thụ GTE khi bụng đói sẽ làm tăng khả dụng sinh học và dễ có nguy cơ bị tác dụng phụ.

7. Men vi sinh

Nhiều người dùng men vi sinh để cải thiện sức khỏe đường ruột nhưng không nhận ra rằng, ít nhất ban đầu, chúng có thể phản tác dụng.

Dasgupta cho biết: "Chế phẩm vi sinh hỗ trợ sức khỏe đường ruột bằng cách cân bằng hệ sinh thái đường ruột khỏe mạnh và cải thiện tiêu hóa, nhưng ban đầu chúng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa tạm thời như đầy hơi, chướng bụng và khó chịu ở dạ dày với một số người, đặc biệt khi họ mới sử dụng chúng".

8. Vitamin A

Vitamin A, còn được gọi retinol hoặc axit retinoic, là một chất chống oxy hóa rất quan trọng cho sự phân chia tế bào, tăng trưởng, thị lực, sinh sản, miễn dịch... Bạn có thể nhận được vitamin A bằng cách ăn gan, cá, trứng, sữa cùng nhiều loại trái cây và rau quả, bao gồm rau lá xanh, cà chua, ớt, dưa đỏ và xoài.

Nhưng nếu tiêu thụ vitamin A quá nhiều, thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm bổ sung, bạn có thể gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa, bao gồm buồn nôn, chán ăn, khó chịu, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy.

Hướng Dương (Theo Best Life)

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-09T04:06:43Z dg43tfdfdgfd