CơM Hè DâN Dã BắC Bộ GIảI NHIệT NGàY NóNG

Thịt rang cháy cạnh ăn cùng canh cua, cà pháo, rau muống xào, đậu rán vừa thanh nhiệt cơ thể, lại kích thích vị giác giúp bữa cơm ngày nóng dễ ăn hơn.

Nguyên liệu

- 500 gr thịt ba chỉ

- 250 gr cua đồng

- 5 miếng đậu phụ

- 1 bó rau mồng tơi

- 1 quả mướp hương

- 1 bó rau muống

- 1 nắm hành lá

- Gia vị: Mắm, muối, đường, mì chính (tùy chọn), mắm tôm, nước hàng (tùy chọn)

- Rau kinh giới ăn kèm đậu rán

- Dầu ăn hoặc mỡ lợn

- Tráng miệng: Hoa quả theo mùa (dưa hấu, dứa, ổi, dưa lê...)

Cách làm

Thịt rang cháy cạnh: Từng miếng ba chỉ bên ngoài xém cạnh, óng lên màu đỏ nâu mà bên trong vẫn giữ nước với thớ thịt mềm đậm vị, dậy mùi thơm của hành. Món ăn này cùng với canh cua, cà pháo giúp tôn vị cho nhau, kích thích vị giác ngày hè.

Chú ý nếu để cả bì thì khi rang đảo liên tục đều tay sẽ ít bị bắn mỡ. Rang thịt xém cạnh ngoài là được, không được để mất nước bên trong thì thịt mới ngon mềm, rang kỹ quá dễ bị khô quắt và khô cứng. Khi thịt xém cạnh mới cho đường, mắm, chút nước hàng (tùy chọn), hành khô - lúc này xảy ra phản ứng hóa học Maillard giữa phân tử đường và nhóm amino trên phân tử protein trong thực phẩm. Nếu ở 160 độ C sẽ tỏa ra hương thơm quyến rũ và óng lên màu đẹp mắt.

Đậu phụ rán chấm mắm tôm: Từng miếng đậu phụ nổi hạt cốm li ti, bên ngoài vàng giòn mà bên trong vẫn mềm mọng, bùi thơm. Món này ăn cùng chút rau kinh giới, chấm mắm tôm hợp vị. Tùy theo khẩu vị mà rán giòn, rán lướt ván, rán căng phồng đều ngon. Cầu kỳ hơn làm đậu tẩm hành cũng rất ngon.

Cách pha mắm tôm ngon: Cho vào bát 2 thìa canh mắm tôm, 1/2 - 1 thìa canh đường, 1 thìa cà phê rượu trắng. Vắt thêm nước chanh hoặc quất rồi đánh cho tan đường và bông lên. Có thể rưới chút mỡ nóng rán đậu phụ vào khuấy đều. Chính mỡ nóng, rượu trắng vừa khử mùi vừa diệt trừ vi khuẩn (nếu có) khi lên men mắm tôm.

Canh cua nấu cùng mồng tơi, mướp hương: Cua đồng theo y học cổ truyền có tính hàn, tốt cho xương khớp còn mồng tơi, mướp hương có tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa. Vì thế, canh cua mồng tơi, mướp hương thường xuất hiện trong bữa cơm ngày hè miền Bắc giúp giải nhiệt, kích thích ăn uống.

Một bát canh với nước dùng ngon ngọt tự nhiên, thịt cua đóng tảng đẹp mắt, rau mồng tơi xanh mướt, mướp hương thơm dịu. Món ăn ''quốc dân'' này thường đi kèm cà pháo giúp đẩy đưa vị giác. Chú ý cua giã tay và lọc kỹ nhiều lần sẽ lấy được nhiều riêu (thịt) hơn cua xay sẵn. Tùy từng vùng miền và khẩu vị mà có nơi chưng hoặc không chưng gạch cua. Nếu chưng, sẽ dậy mùi thơm đặc trưng bùi béo hơn.

Rau muống xào tỏi: Theo Đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn, công dụng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải độc. Vào chớm hè, rau muống xơ mới khá ngon. Nhiều món ngon từ rau muống được người dân miền Bắc yêu thích như: Rau muống luộc chấm mắm tỏi ớt hoặc chấm tương, nước rau muống luộc dầm sấu; rau muống xào tỏi; nộm rau muống tép riu khế chua...

Có 2 cách xào rau muống: Chần sơ rồi hãm nhiệt bằng xả nước lạnh giúp rau xanh giòn rồi phi thơm tỏi, đem xào nhanh trên lửa lớn, nêm nếm gia vị là được. Hoặc xào trực tiếp không cần chần. Một số vùng cho thêm chút mắm tôm tăng vị ngọt hậu, một số nơi lại thêm chút rau kinh giới vào cũng lạ miệng.

Cà pháo muối nén: Nên muối sẵn cà vào cuối tuần và chia nhỏ ăn dần vừa rẻ lại vừa tiện lợi, đảm bảo sạch sẽ hơn cà muối mua sẵn. Tuy nhiên theo khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng mỗi người chỉ nên ăn khoảng 50 gr mỗi tuần.

Tráng miệng: Hoa quả theo mùa (tùy chọn): Dưa hấu, dưa lê hoặc dứa, ổi...

Bùi Thủy

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-19T10:59:12Z dg43tfdfdgfd