UốN LưỡI NHIềU LầN

Buổi trưa, ăn xong mấy món ngon trong lúc đợi đồ tráng miệng, mấy chị em quay sang bàn về chuyện văn hóa “chửi” đang nóng trên mạng. Chị giáo viên bảo ấn tượng nhất là món cháo “chửi” danh bất hư truyền ở một thành phố lớn, bà chủ “chửi” người làm có vần có điệu và làm khách thấy hay hay hơn là bực mình. Cô kiến trúc sư thì bị ám ảnh bởi lời “chửi” chua ngoa của bà hàng xóm bị mất gà.

“Chửi” đến độ nếu đứa trộm gà mà nghe được thì cũng tá hỏa chắp tay bái lạy khi bà chửi từ nhỏ đến to, từ thủ phạm đến cả dòng họ của nó và kết lại là đi tàu, tàu đổ, đi máy bay, máy bay rơi, tóm lại là kiểu gì cũng phải trả giá sinh mạng cho một con gà. Hay những bà chua ngoa bị mất đồ cũng thường có một bài “chửi” rất bài bản, sâu cay và nếu được chuyển tải bằng một ngữ điệu lên bổng xuống trầm hợp lý thì quả là ấn tượng.

Rồi trên mạng rộ lên những bài “chửi” vui vui còn lý giải vì sao phải “chửi” như “Bản chất ngoan hiền/Chỉ văng tục khi bị sỉ nhục. Bản chất không mất dạy/Chỉ chửi bậy trong lúc ức chế không chịu đựng được thôi” hoặc “Hiền lành bị chửi là ngu!/Khôn hơn thì bị chửi là đểu!/ Khốn khó các bạn không chơi!/Biết ăn chơi các bạn bảo đú!/Nhan sắc trời phú các bạn lại ghen!/ Xấu xí bon chen các bạn kêu bựa!/Vì cuộc đời quá khựa nên biết sống sao cho vừa?/Thôi thì cứ sống bừa cho chất!...

Với nhiều người “chửi” nghe to tát chứ thực ra đôi khi chỉ là những lời văng tục chút xíu khi cáu giận, gặp trường hợp không như ý. “Chửi” là một cách để xả xì trét, để “thông não” nhanh và để thỏa mãn cái tôi bản thân.

Bạn bảo trong đời sống hiện đại nhiều bức bối, căng thẳng hiện nay, “chửi” còn là một cách chữa lành những tổn thương tâm lý cũng như thể chất. Vì khi được “văng” ra những lời bầy bậy, sẽ giải tỏa phần nào những uẩn ức bên trong vỏ não mà nếu để lâu ngày có khi phát triển thành ung nhọt.

Chả biết bạn nói đúng hay sai, chỉ có điều khi ông cậu anh bị ốm dài ngày, ông thay đổi hẳn tâm tính. Từ chỗ điềm đạm, trầm tĩnh, làm nhiều hơn nói, giờ ông mở mồm ra là văng bậy, chắc bởi nằm trên giường bệnh nhiều, khiến ông khó chịu. Nhưng nóng giận mấy, muốn văng bậy mấy cũng luôn nhớ các cụ có câu “lời nói như tên bắn” - đã nói rồi không lấy lại được, vì thế hãy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Nếu nói mà đã phải như thế, chắc “chửi” còn phải “uốn lưỡi” nhiều hơn.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-03-29T02:08:44Z dg43tfdfdgfd