XU HướNG 'KHôNG TIêU TIềN' CủA GIớI TRẻ

Chen Lingyi, 27 tuổi, cùng bạn bè dành hết các ngày cuối tuần tìm quán cà phê, cửa hàng hoa hoặc tiệm cắt tóc miễn phí để trải nghiệm cuộc sống "không tiêu tiền".

Ba năm trước, cô gái ở TP Thượng Hải bắt đầu đi làm. Dù cố gắng tiết kiệm nhưng tài khoản của cô gần như trống rỗng vào cuối tháng.

Chen nhận ra mọi thứ trong cuộc sống thành thị đều cần tiền. Ở thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc, "cuối tuần thư giãn" đồng nghĩa với việc phải tiêu tiền. Cô bắt đầu tự hỏi liệu có cách nào sống ở thành thị mà không phải móc hầu bao không?

Tháng 5/2022, Chen và 26 người bạn đã thành lập nhóm The Gratis như một dự án xã hội và ra mắt cẩm nang 100 cách thưởng thức cuối tuần ở thành phố lớn mà không cần tiêu tiền.

Cẩm nang nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng và xuất hiện ở 80 thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, Bắc Kinh, Thẩm Quyến...

Họ lấy biểu tượng là những chú gà với thông điệp gà thường tự tìm thức ăn trên cánh đồng hoặc trang trại.

Người tham gia đều ở độ tuổi 20 bao gồm sinh viên, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ và học giả. Họ cố gắng thưởng thức cuối tuần mà không cần tiêu tiền như nhảy múa, tập thể dục trên bãi cỏ công viên, tổ chức câu lạc bộ sách và xem phim ở nhà hoặc đi chùa.

"Nó giúp tôi nhận ra rằng tiền bạc không phải là loại giá trị duy nhất", Zhang Congzhi, 23 tuổi, sinh viên Đại học Hong Kong nói.

Anh phát hiện nơi mình đang sống vẫn có nhiều chỗ miễn phí như nhà vệ sinh công cộng vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn sạch sẽ cao. Thư viện cộng đồng là ví dụ khác. Zhang tìm thấy nó ở tầng trên cùng của tòa nhà cao, bên dưới là các chợ rau. Ghế ở thư viện luôn trống do ít người lui tới.

Hè năm ngoái, Zhang về quê Sơn Đông và thử đi bộ khoảng 2,5 giờ từ bờ phía tây sang bờ phía đông của thị trấn. Anh nhận ra những thứ miễn phí giúp bản thân khám phá được nhiều niềm vui mới.

Các thành viên The Gratis đã rút ra công thức "không tiêu tiền" chung, bao gồm bốn nguồn lực miễn phí là không gian đô thị, dịch vụ công cộng, chia sẻ hàng hóa và các hoạt động sáng tạo.

Chen nói cô đã có cái nhìn khác về quản lý tiền bạc. Cô cho rằng hầu hết mọi người đều không được dạy cách cân đối tài chính ở trung học hoặc đại học.

Nhiều người luôn mất cân bằng, tiêu tiền không kiểm soát và tiết kiệm cực độ vào cuối tháng. Chen hiểu rõ hơn mức độ cần thiết giữa tiêu xài và tiết kiệm sau dự án.

Bản thân Zhang cũng đang cố gắng cải thiện không gian công cộng chứ không chỉ sử dụng nó miễn phí. "Tôi cảm thấy mình sống vui vẻ và trọn vẹn hơn", anh nói.

Ngọc Ngân (Theo China Daily)

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-04T03:39:29Z dg43tfdfdgfd