NHữNG NGườI TRẻ THíCH ăN 'XIêN BẩN'

12h đêm, sau khi ăn hơn 40 que "xiên bẩn" đủ vị, Phương Nhi ra về và hẹn chủ quán tối mai lại tới.

Nhi, 19 tuổi, ở quận Ba Đình có thói quen ăn đồ chiên rán vào đêm muộn. Với 5 năm kinh nghiệm và đã thử qua hầu hết hàng "xiên bẩn" trong các ngõ ngách Hà Nội, Nhi nắm rõ các điểm bán nổi tiếng. Gần đây cô thường ghé đến "phố ẩm thực xiên que" trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa. Các hàng xiên ở đây đa dạng hơn, với 20 loại như thanh cua, tôm, gà, hải sản, bò viên, cá viên, phô mai và giá cũng rẻ hơn, từ 2.000 đồng một xiên.

"Đêm nào tôi cũng ra quán quen cách nhà hơn một km để ăn lót dạ 20-40 xiên chiên trước khi ngủ", Nhi nói.

Nhi tự nhận mình là một tín đồ của "xiên bẩn" bán rong ở Hà Nội. Từ "bẩn" trong tên gọi của nó được hiểu theo nghĩa đen bởi các quán bán ở vỉa hè đầy khói bụi, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, pha chế nhiều phụ gia và chiên rán trong chảo dầu rán đen đặc. Khách hàng của những hàng "xiên bẩn" chủ yếu là người trẻ. "Biết là bẩn nhưng ăn nhiều thành quen, thấy không bị sao nên vẫn ăn", Nhi nói.

Hà Nội có nhiều tuyến phố, chủ yếu quanh các trường cao đẳng, đại học tập trung nhiều xe bán "xiên bẩn" lưu động như Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Trần Duy Hưng, Phan Văn Trường (Cầu Giấy), Núi Trúc (Ba Đình), Nguyễn Quý Đức, Triều Khúc, chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân).

Khảo sát lúc 23h ngày 7/5 của VnExpress ghi nhận các xe "xiên bẩn" trên địa bàn quận Đống Đa, Cầu Giấy vẫn nhộn nhịp. Lúc 1h sáng 5 hàng ở vỉa hè trên phố Núi Trúc khách đông ngồi tràn xuống lòng đường. Đoạn gần trường Đại học Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, cũng đông xe bán rong mở quá nửa đêm.

Với 15 năm bán "xiên bẩn" tại đường Núi Trúc, chị Mai Ngọc cho biết con phố này từng chỉ có hai hàng bán từ chiều đến đêm. Nhưng vài năm trở lại đây có thêm ba hàng mới do nhu cầu đông. Trung bình mỗi khách đến quán ăn ít nhất 10 xiên, thường chọn loại 2.000 đồng.

"Quán tôi mở từ 17h cho đến 3h sáng. Càng về đêm lượng khách càng đông, nhiều thời điểm rán không kịp, phải thêm bếp phụ", chị Ngọc nói. "Gọi là 'xiên bẩn' nhưng chỉ nói vui thôi, chứ bán đồ bẩn thì ai dám ăn. Tất cả sản phẩm nhà tôi đều được nhập về, đóng gói cẩn thận, ăn đến đâu rán đến đó".

Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng thức ăn đường phố hiện nay không đảm bảo, nhiều nơi ưu tiên lợi nhuận, bỏ qua sự an toàn của người dùng.

Như với các hàng bán viên chiên (xiên bẩn) đa phần dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, người bán không tuân thủ quy trình chế biến. Phần lớn bán ở nơi nhiều bụi bẩn, gần bãi rác không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết 70-80% thức ăn đường phố, bao gồm cả đồ ăn vặt ở cổng trường được xác định bị nhiễm khuẩn Ecoli. Đây là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn tả.

"Đặc biệt tình trạng ngộ độc thực phẩm những năm gần đây có xu hướng tăng", PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy riêng năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và 28 người tử vong, tăng hơn năm 2022.

Gia đình Nhi phản đối cô ăn "xiên bẩn" vì cho rằng chúng độc hại, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Cô gái 19 tuổi từng mua đồ về tự chiên nhưng vị không giống, viên chiên không nở to như ngoài hàng nên vẫn lén đi ăn. Để "đỡ độc hại" mỗi lần đi cô đều mang theo giấy thấm dầu loại bỏ bớt dầu mỡ.

Thùy Trang, 24 tuổi, ở quận Ba Đình nói đã đôi lần bị đau bụng sau khi ăn "xiên bẩn" nhưng uống thuốc tiêu hóa lại đỡ, cô vẫn tiếp tục đi. "Ngon là được, hàng nào ăn bị đau bụng sau tôi né, tìm đến quán khác cho đảm bảo", Trang nói.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết không phải ai ăn viên chiên hay đồ vỉa hè đều bị ngộ độc, nhưng người dân biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân về lâu dài.

Ngoài ý thức cá nhân, chuyên gia cũng cho rằng chính nhà trường cần tuyên truyền giáo dục cho học sinh, cơ quan quản lý nên đưa ra kế hoạch dẹp vỉa hè, tránh để tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

"Nhưng dù sao người bán cũng là lao động nghèo, cơ quan quản lý có thể tạo công ăn việc làm mới hoặc tuyên truyền để họ tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn nếu cấm chỗ này họ lại sang điểm khác bán như 'bắt cóc bỏ đĩa', 'đánh trống bỏ dùi' khó làm được triệt để", chuyên gia nói.

Từng du lịch ra Hà Nội, Thành Đạt, 22 tuổi nói bất ngờ vì các xiên nem rán, dồi rán, viên bò chấm tương ớt, sốt me đều đồng giá 2.000 đồng.

"Bạn bè giới thiệu đây là đặc sản vỉa hè của Thủ đô nên tôi muốn thử, tuy nhiên ăn loại nào cũng một vị giống nhau, đồ ăn lấy từ những bịch lớn không nhãn mác nên tôi "xóa sổ" món này", Đạt nói.

Từng là tín đồ của "xiên bẩn" nhưng hơn một năm nay Thanh Vy ngừng ăn khi chứng kiến cảnh chủ quán lấy khăn lau hoặc nhúng qua nước bó que xiên cũ rồi dùng lại. Chưa kể những chai dầu, tương ớt được đựng trong can nhựa to hàng chục lít không thương hiệu khiến cô e ngại.

"Ngon thật ấy nhưng nay tôi cũng từ chối bởi quá bẩn, đúng là cái gì cũng có giá của nó", Vy nói.

Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-08T17:11:28Z dg43tfdfdgfd