ƯớC Mơ GIảN Dị CủA NHữNG NGườI CHèO đò ở TRàNG AN

Hòa theo tiếng mái chèo vỗ nước lao xao bên mạn đò, cuộc trò chuyện của chúng tôi với những người lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới) càng thêm thi vị.

Mong khách du lịch đến Tràng An ngày càng đông

Hiện nay tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) có trên 3.000 lao động làm nghề chèo đò phục vụ du khách tham quan. Trong đó, phụ nữ chiếm đến 70%, họ đều là người địa phương và đã gắn bó với nghề chèo đò ở đây gần 10 năm.

Cô Nguyễn Thị Tươi - một trong những người đã có thâm niên chèo đò phục vụ du khách ở đây đã gần 10 năm chia sẻ, đa phần những người chèo đò ở đây đều ở độ tuổi từ 50 trở lên. Với nghề chèo đò, vào mùa lễ hội nhiều lắm một người chỉ chèo được khoảng 2 - 3 chuyến một ngày, nhưng vào những ngày bình thường có khi 5 - 7 hôm mới có một chuyến.

Không phải khi nào chèo xong một chuyến quay về bến là được đón khách luôn mà còn phải chờ sự điều tiết từ Ban Quản lý khu du lịch.

“Ở đây chúng tôi chèo chuyến nào thì tính tiền chuyến đấy, bình quân mỗi tháng thu nhập cũng được từ 5 - 6 triệu đồng. Những người trẻ họ đi làm công nhân ở các công ty còn lại những người phụ nữ cao tuổi như chúng tôi công ty họ không nhận nên phải bám vào nghề này để kiếm cơm” - cô Tươi chia sẻ.

Công việc chèo đò tại Tràng An khá vất vả, mỗi chuyến cả đi lẫn về khoảng 15km và phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ mới về đến bến. Vất vả là thế, xong những người chèo đò ở đây luôn yêu nghề và tự hào khi được quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương mình đến với du khách trong nước và quốc tế.

“Trong suốt hành trình thăm quan kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ, chúng tôi luôn giới thiệu đến du khách về những sự tích, những điểm tham quan tại Tràng An, để làm sao du khách đến một lần là nhớ mãi và muốn quay chở lại với Tràng An. Làm ở đây chở chuyến nào thì được tính tiền chuyến đó, chính vì vậy Tràng An càng đông khách thì thu nhập của chúng tôi cũng tăng lên” - chị Nguyễn Thị Tuyến - một lái đò ở Tràng An chia sẻ.

Ước mơ về cuộc sống thanh bình

Tranh thủ lúc khách lên tham quan đền Trình, cô Nguyễn Thị Ngát (63 tuổi) với dáng người thấp đậm giở làn lấy cơm ra ăn. Cô Ngát tâm sự, nghề chèo đò nơi đây như “làm dâu trăm họ” nên giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống cũng thất thường vì phụ thuộc vào thời điểm khởi hành của khách.

Vì vậy cơm nước phải “túc trực” trên đò để khi nghỉ ngơi là tranh thủ ăn. Công việc bắt đầu từ sáng sớm và đến tối mới về đến nhà, thu nhập bình quân mỗi tháng của cô cũng được 5 triệu đồng.

“Số tiền tuy không lớn, nhưng ở cái tuổi này rồi mình tự lo cho bản thân được, không phải nhờ vả làm phiền đến con cái là mừng rồi chú à” - cô Ngát chia sẻ.

Trong câu chuyện cùng những người chèo đò nơi đây, chúng ta có thể cảm nhận được sự nhẹ nhàng, ân cần với du khách của những người con cố đô và xen lẫn trong đó là tình yêu với nghề. Hàng ngày họ được tiếp xúc với nhiều du khách từ khắp các địa phương, nhiều nước trên thế giới cũng là niềm vui. Ẩn sâu trong những câu chuyện của những lái đò ở Tràng An đó là ước mơ về một cuộc sống thanh bình của những người chèo đò nơi đây. Với họ, cuộc sống bình an, giản dị là được gắn bó với nghề ngay trên mảnh đất quê hương, có thêm thu nhập và được góp sức quảng bá hình ảnh quê nhà đến với du khách.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-27T00:26:34Z dg43tfdfdgfd