10 Tư THế YOGA GIúP CâN BằNG NộI TIếT Tố

Tư thế rắn hổ mang, cây cầu, ép hông góp phần cải thiện hơi thở, kích thích các cơ quan giúp cân bằng hormone trong cơ thể.

Rối loạn nội tiết tố xảy ra khi hệ thống phản hồi của nội tiết gặp trục trặc, khiến khả năng điều hòa và kiểm soát hormone trong cơ thể mất cân bằng. Cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và mô, khả năng sinh sản.

BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tập yoga cân bằng nội tiết tố bằng cách kích thích các cơ quan nội tiết và tăng cường sự linh hoạt của cơ thể. Dưới đây là một số động tác yoga có lợi.

Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana): Để thực hiện, nằm sấp trên thảm tập yoga. Đặt lòng bàn tay dưới vai, giữ hai chân sát nhau; chống hai tay, lòng bàn tay xuống đất. Sau đó, duỗi thẳng hai tay và từ từ nâng thân mình lên, thả lỏng hai vai, khuỷu tay phải gần với cơ thể. Giữ nguyên tư thế và hít thở trong vài giây rồi hạ mình xuống.

Tư thế con châu chấu (Shalabhasana) trong yoga giúp tăng cường cơ lưng dưới, săn chắc cơ bụng, kích thích các cơ quan.

Người tập nằm sấp, giữ hai tay ở bên cạnh; giữ trán hướng trên sàn nhà. Thở ra và từ từ nhấc đầu, vai, cánh tay, thân và chân lên khỏi sàn. Song song đó giữ thăng bằng ở bụng, xương chậu và phần ngực dưới; giữ tay song song với sàn; mắt nhìn về phía trước. Giữ thăng bằng trong 10 giây và từ từ hạ người xuống.

Tư thế cây cầu (Setu Bandha Sarvangasana) bắt đầu bằng động tác nằm ngửa, giữ hai chân cách nhau một khoảng bằng hông; cong đầu gối. Hai bàn chân cách mông một khoảng bằng nắm tay; hít vào, hóp bụng, dùng lực hai bàn tay, cơ bụng, cơ hông và chống hai chân xuống đẩy xương chậu lên cao nhất có thể. Giữ tư thế trong 10 giây và từ từ hạ người xuống thảm.

Tư thế con lạc đà (Ustrasana) được thực hiện bằng cách quỳ trên thảm, hai đầu gối cách nhau một khoảng bằng nắm tay. Lòng hai bàn chân hướng lên trên, hít vào; ngửa người ra sau, nâng ngực lên theo hướng trần nhà và dần đẩy xương chậu về phía trước. Sau khi cong lưng, giữ chặt mắt cá chân để tư thế được thăng bằng. Lưu ý hít vào, thở ra vài lần trước khi ngửa người ra phía sau và nâng ngực lên để điều hòa nhịp thở, kích thích các cơ quan.

Cúi người về phía trước với tư thế rộng (Prasarita Padottanasana) hỗ trợ tăng lưu lượng máu trong buồng trứng, giảm căng ở hông và lưng dưới.

Người tập đứng trên thảm và mở rộng hai chân; đặt tay lên hông hoặc giơ lên trời. Hít vào và rướn người kéo dài thân mình, lưng duỗi thẳng. Sau đó, thở ra và uốn cong người về phía trước tính từ thắt lưng. Cố gắng đưa đầu sát xuống đất, hai tay có thể để ở hông hoặc đưa xuống sàn, giữ hai tay thẳng và song song với nhau. Tư thế này nên được duy trì trong vài giây trước khi ngồi dậy.

Tư thế nửa vầng trăng (Ardha Chandrasana) giúp tăng cường sức mạnh ở bụng và giảm đau lưng.

Để thực hiện, đứng hai chân rộng, chân phải hướng sang một bên và chân trái hướng về phía trước. Người cúi sang bên phải, nâng chân trái song song với sàn. Tay phải đặt ở phía trước bàn chân phải; tay trái hướng lên trần nhà; toàn bộ thân mình hướng về phía trước.

Tư thế thợ giày (Baddha Konasana) làm dịu các cơ vùng chậu.

Ngồi xuống thảm, gấp hai chân lại và đặt hai lòng bàn chân hướng vào nhau. Giữ các ngón chân đồng thời đưa hai gót chân sát vào nhau. Hít thở và thư giãn sau đó thở ra từ từ và cúi người về phía trước. Đầu gối cố gắng giữ sát sàn, hít thở vài giây và ngồi dậy.

Tư thế ép hông (Supta Baddha Konasana) duy trì hơi thở đều đặn, thúc đẩy nội tiết tố.

Nằm xuống thảm, hai chân mở rộng, gấp hai đầu gối hướng ra ngoài, đưa hai bàn chân hướng về phía xương chậu và áp sát lại với nhau. Từ từ đưa hai tay trên bụng. Giữ tư thế trong 5 nhịp thở đến một phút và duy trì hơi thở đều đặn.

Tư thế ngả bàn tay sang ngón chân cái (Supta Padangusthasana 2) giúp điều chỉnh xương chậu và giảm đau lưng dưới, kích thích sản sinh nội tiết tố.

Nằm xuống thảm tập yoga, giữ hai chân duỗi thẳng, cong một chân vào ngực. Tay giữ ngón chân cái, chân duỗi từ từ lên trên và qua đầu, giữ thẳng đầu gối. Duy trì tư thế trong vài giây và quay trở lại tư thế ban đầu. Lặp lại bài tập ở chân còn lại.

Tư thế góc thẳng (Samakonasana) có thể tăng cường và kéo căng các cơ sàn chậu. Người tập bắt đầu bằng cách ngồi xuống thảm tập yoga, giữ thẳng và kéo dãn lưng, duỗi thẳng chân càng căng càng tốt, giữ tư thế trong vài nhịp thở.

Bác sĩ Khuyên cho biết khuyến cáo nên tập yoga đều đặn ít nhất 10-15 phút mỗi ngày. Theo dõi hiệu quả của việc tập yoga bằng cách ghi lại bất kỳ thay đổi về tâm trạng, năng lượng. Vì cơ địa mỗi người có thể hợp hoặc không hợp với các môn thể thao khác nhau. Các bài tập yoga chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không thể thay thế cho thuốc để điều trị bệnh nội tiết. Người mắc bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết để khám và theo dõi phù hợp.

Quỳnh Dung

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-09T00:28:33Z dg43tfdfdgfd