4 CáCH ăN UốNG GIúP KIểM SOáT đườNG HUYếT

Chia đĩa thức ăn thành 4 phần với một nửa là rau không tinh bột, kết hợp protein nạc, ăn từ 45-60 g carb mỗi bữa chính giúp kiểm soát đường huyết.

Chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong quản lý bệnh tiểu đường. Carbohydrate (carb) trong ngũ cốc, trái cây, sữa và đồ ngọt có thể làm tăng đường huyết. Phương pháp ăn uống cân bằng, điều chỉnh lượng carb giúp người bệnh tiểu đường giảm cân nếu cần và quản lý lượng đường trong máu tốt hơn.

Phương pháp chiếc đĩa

Áp dụng phương pháp chiếc đĩa là cách tốt để kiểm soát khẩu phần ăn mà không cần đếm lượng carb. Trọng tâm của phương pháp này là tăng cường các loại rau không chứa tinh bột nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.

Thực phẩm giàu chất xơ làm chậm tốc độ tăng đường huyết. Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp giảm cân vì chất xơ được chuyển hóa chậm hơn, tăng cảm giác no, hạn chế thèm ăn.

Để thực hiện phương pháp chiếc đĩa, bạn chia đĩa thành 4 phần. Dành một nửa đĩa là rau củ không chứa tinh bột như xà lách, bông cải xanh, đậu que, súp lơ trắng, cà chua, cà rốt... 1/4 đĩa tiếp theo cho protein nạc khoảng 80-115 g như gà, cá nướng hoặc thịt nạc. 1/4 còn lại là khoảng một nắm tay ngũ cốc nguyên hạt như quinoa (diêm mạch), gạo lứt, rau chứa tinh bột như khoai lang nướng hoặc đậu nấu chín (đậu xanh, đậu đen).

Bạn có thể thêm chất béo lành mạnh vào các món ăn, ví dụ dầu ô liu, quả bơ để đáp ứng nhu cầu calo. Nếu thấy đói sau bữa ăn có thể thêm rau không chứa tinh bột.

Chế độ ăn kiêng carbohydrate nhất quán

Người bệnh tiểu đường phải kiểm soát lượng carb nạp vào vì carb ảnh hưởng nhiều đến lượng đường trong máu. Chế độ ăn kiêng carb nhất quán nghĩa là dùng cùng một lượng carb phức hợp vào cùng một thời điểm hàng ngày.

Để thực hiện chế độ ăn này, người bệnh tiểu đường cần đặt mục tiêu ăn cùng một lượng carb cho mỗi bữa ăn. Ví dụ, nếu bạn ăn 45 g carb cho bữa sáng và bữa trưa, 15 g carb trong bữa ăn nhẹ và 60 g vào bữa tối thì cố gắng tuân thủ điều đó hàng ngày. Chế độ ăn có lượng carb phù hợp giúp ổn định và ngăn ngừa đường huyết tăng cao.

Hạn chế một số thực phẩm

Một số loại carb tinh chế như bánh mì trắng, mì ống, nước trái cây, kẹo, bánh ngọt có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng. Chúng còn chứa rất ít dinh dưỡng và giàu calo gây tăng cân.

Người bệnh nên ăn trái cây tươi ít làm tăng đường huyết như quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi, nho), tránh uống nước ép trái cây. Duy trì khoảng 2-3 khẩu phần trái cây tươi mỗi ngày, tránh trái cây sấy khô vì có thể ảnh hưởng đến đường huyết.

Thay thế bánh mì trắng, mì ống bằng ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên hạt hoặc mì ống nguyên hạt. Những thay đổi này giúp điều chỉnh đường huyết, tăng lượng chất xơ và tăng cường dinh dưỡng. Dù ăn carb lành mạnh, người bệnh vẫn cần kiểm soát khẩu phần, tránh quá nhiều.

Kiểm soát khẩu phần

Số lượng carb cũng quan trọng như chất lượng carb trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Lượng carb cần mỗi ngày được xác định dựa trên cân nặng, mức độ hoạt động, nhu cầu calo và cách cơ thể phản ứng với nó.

Người bệnh tiểu đường nên ăn 45-60 g carb mỗi bữa chính, 15-30 g cho bữa nhẹ, kết hợp protein và chất béo lành mạnh để làm chậm hấp thu đường vào máu. Đôi khi lượng ít hoặc nhiều hơn tùy vào nhu cầu calo và mức độ vận động của từng người. Ngưới bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định lượng carb phù hợp.

Mai Cat (Theo Very Well Health)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-03-29T01:27:24Z dg43tfdfdgfd