4 LOạI TRáI CâY Dễ LàM TăNG đườNG HUYếT

Trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chống oxy hóa nhưng một số loại có lượng đường và carbohydrate cao, đóng hộp dạng sirô có thể khiến đường huyết tăng.

Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận Quốc gia Mỹ khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên bổ sung trái cây vào chế độ ăn uống cân bằng. Trái cây cũng có lượng chất xơ cao, làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Tuy nhiên, một số loại có thể ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số đường huyết, người bệnh tiểu đường nên tránh hoặc cân nhắc lượng tiêu thụ.

Trái cây chứa nhiều đường

Dưa hấu, nho, xoài, anh đào, chuối có hàm lượng đường cao. Người bệnh tiểu đường vẫn có thể thưởng thức chúng mà không cần thiết phải loại khỏi chế độ ăn. Bởi một số tuy nhiều đường nhưng cũng là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ quan trọng.

Các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe, trong khi chất xơ hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Điều quan trọng cần nắm là lượng đường trong mỗi quả và ăn lượng phù hợp.

Ăn một khẩu phần trái cây mỗi ngày và kết hợp thực phẩm giàu protein hoặc chất béo khác có thể có lợi. Ví dụ, kết hợp quả mọng với sữa chua Hy Lạp hoặc táo với bơ hạnh nhân hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.

Trái cây chứa nhiều carbohydrate

Carbohydrate là chất dinh dưỡng đa lượng quan trọng, cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, lượng carbohydrate nạp vào có tác động đáng kể đến chỉ số đường huyết.

Hàm lượng carb trong 100 g nho đỏ, chuối, táo xoài, dứa lần lượt là 20,2 g, 20,1 g, 15,6 g, 15 g, 13,1 g. Mặc dù chúng có hàm lượng carbohydrate cao nhưng lại rất giàu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Người muốn hạn chế carbohydrate nên chú ý đến khẩu phần trái cây để đảm bảo không vượt quá lượng tiêu thụ.

Trái cây sấy khô

Do đã loại bỏ nước trong quá trình sấy nên loại trái cây này có hàm lượng đường cao hơn nhiều so với khi còn tươi. Một số còn được ướp thêm đường để tăng khẩu vị, dễ dẫn đến tăng đường huyết.

Các loại trái cây sấy khô phổ biến chứa hàm lượng đường cao gồm mơ, dứa, nho khô, chà là... Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), ăn trái cây sấy khô với khẩu phần nhỏ, trái cây sấy không đường hoặc dùng cùng với các thực phẩm như các loại hạt có thể giúp ích.

Các loại hạt rất giàu chất béo, chất xơ và protein. Ba chất dinh dưỡng này làm chậm quá trình tiêu hóa, có thể ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.

Trái cây đóng hộp dạng sirô

Cũng giống như trái cây sấy khô có đường, loại đóng hộp dạng sirô có thể chứa lượng đường bổ sung cao. Ví dụ, một cốc cocktail trái cây nhiều sirô chứa khoảng 6,5 thìa cà phê đường bổ sung.

Bảo Bảo (Theo Healthline, Health)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-02T07:29:06Z dg43tfdfdgfd