BA CáCH GIảM KHó CHịU Dạ DàY SAU KHI ăN QUá NO

Đi bộ, tập luyện nhẹ nhàng, giải tỏa căng thẳng, góp phần làm dịu dạ dày, giảm đầy hơi chướng bụng do ăn quá no.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ăn quá nhiều trong một bữa làm tăng gánh nặng cho dạ dày, ảnh hưởng đến nhu động ruột.

Quá trình làm rỗng dạ dày chậm khiến axit dạ dày tăng tiết quá mức, tạo áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến chức năng co bóp suy giảm, trào ngược.

Thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết sẽ phân hủy, lên men trong dạ dày dẫn đến đầy hơi, chướng bụng. Biểu hiện gồm căng tức, nặng bụng, ợ hơi, buồn nôn, có thể kèm theo các cơn đau. Một số cách dưới đây góp phần làm dịu dạ dày, giảm khó chịu nếu lỡ ăn quá no.

Đi bộ, tập luyện nhẹ nhàng

Khi ăn no, mọi người có xu hướng mệt mỏi và muốn nằm ngay, tuy nhiên điều này dễ gây kích ứng niêm mạc ống dẫn thức ăn tạo cảm giác buồn nôn, nguy cơ trào ngược axit dạ dày. Lúc này, nên ngồi để quá trình tiêu hóa thức ăn thuận lợi hơn.

Vận động nhẹ nhàng góp phần thúc đẩy tiêu thụ thức ăn, tăng thời gian đẩy thức ăn di chuyển đến ruột non, làm dịu chứng trào ngược axit.

Theo bác sĩ Khanh, dù có ăn quá no hay không thì vẫn nên đi bộ nhẹ nhàng 5-10 phút sau khi kết thúc bữa ăn khoảng 30 phút. Hoạt động này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản, tránh tích trữ chất béo, giảm mỡ bụng. Lưu ý không vận động mạnh như chạy nhảy ngay sau ăn vì có thể gây tác dụng ngược, dễ nôn và đau dạ dày.

Một vài động tác massage đơn giản cũng giúp giảm đầy hơi, khó tiêu. Xoa bóp bụng từ trái sang phải, vuốt dọc từ bụng về phía lồng ngực bằng bàn tay phẳng, sau đó đặt lòng bàn tay ở phía sau và di chuyển bàn tay về phía trước qua hông, xuống hai bên xương chậu về phía bẹn.

Sử dụng thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa

Trà xanh và các loại trà thảo mộc như trà gừng giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn bằng cách kích thích sản xuất nước bọt, mật và dịch dạ dày. Trà xanh cũng chứa chất chống oxy hóa hoạt động như chất chống viêm có thể làm giảm triệu chứng chướng bụng. Các hợp chất polyphenolic cụ thể là catechin làm tăng hoạt động của enzym tiêu hóa, pepsin giúp phân hủy protein trong dạ dày.

Hàm lượng axit cao có trong chanh kích thích sản sinh axit clohidric, tác dụng làm tiêu thức ăn. Uống một ly nước chanh ấm ngay khi đầy bụng giảm triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên, người bệnh viêm dạ dày hoặc trào ngược cần cẩn trọng khi sử dụng.

Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, phù hợp cho những người bị đầy hơi. Ăn sữa chua không đường sau khi ăn quá no góp phần điều hòa nhu động ruột, giảm tích tụ khí hoặc thức ăn, ngăn ngừa chứng táo bón, cải thiện quá trình tiêu hóa. Vi khuẩn lên men trong sữa chua bám vào niêm mạc đường tiêu hóa tiết chất kháng sinh tự nhiên, tăng cường miễn dịch tại chỗ, kìm hãm sự phát triển của yếu tố gây đau dạ dày.

Giảm căng thẳng

Stress hay căng thẳng quá mức đi kèm tức giận, buồn bã, chán nản dễ dẫn đến ăn uống vô độ thiếu kiểm soát, ăn quá no. Nhiều người đang trong quá trình giảm cân khi lỡ ăn quá nhiều cũng cảm thấy áp lực, lo lắng một bữa ăn có lượng calo cao ảnh hưởng nhiều đến cân nặng. Thư giãn và xoa dịu tâm trạng giúp giảm bớt áp lực lên hệ tiêu hóa.

Để tránh đầy hơi chướng bụng khó chịu và nguy cơ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa, bác sĩ Khanh khuyến cáo chỉ nên ăn vừa đủ no, khoảng 70-80% nhu cầu. Ăn đúng bữa, giờ giấc điều độ, ăn chậm và nhai kỹ, tập trung vào bữa ăn, không xem tivi, hạn chế nói chuyện khi dùng bữa.

Thời gian từ khi bắt đầu đưa thức ăn vào miệng cho đến khi não bộ tiếp nhận thông tin là 20 phút. Một bữa ăn nên kéo dài ít nhất 20 phút để não bộ bắt được tín hiệu, kiểm soát lượng thức ăn nạp vào vừa đủ, đảm bảo thức ăn được nghiền nát, giảm gánh nặng cho cơ bắp và nhu động dạ dày.

Ly Nguyễn

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-26T11:05:53Z dg43tfdfdgfd