BIếN CHứNG Vì Tự CHữA VảY NếN TạI NHà

Vảy nến là một trong những bệnh da viêm mạn tính phổ biến trong da liễu. Nhiều trường hợp nhập viện điều trị vì biến chứng khi tự ý điều trị vảy nến tại nhà như đắp lá đu đủ đực, tắm nước củ ráy, uống thuốc gia truyền.

Da bội nhiễm, đau nhức chân

Ông V.V.L (64 tuổi, TPHCM) mua 30 thang thuốc giá hơn 3 triệu đồng uống trong 1 tháng với lời quảng cáo chữa khỏi vĩnh viễn vảy nến. Ban đầu, ông L chỉ bị bong vảy ở khuỷu tay, đầu gối. Sau khi uống 8 thang thuốc, bệnh vảy nến bùng phát.

Ông L nhập viện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM vì sốt cao, suy thượng thận do thuốc, vảy nến nặng tiến triển thành đỏ da toàn thân. Vùng da lưng, ngực người bệnh cũng nứt nẻ, rỉ mủ và dịch vàng, các khớp chân tay sưng, đau nhức. Đỏ da toàn thân là tình trạng vảy nến nặng nhất, dễ gây biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, suy tim, suy hô hấp, rối loạn điện giải, rối loạn điều hòa thân nhiệt.

Một trường hợp khác là chị P.T.V.K (27 tuổi, Long An) bị vảy nến 20 năm, từng điều trị nhiều nơi nhưng không liên tục. Gần đây, thời tiết nắng nóng, bệnh bùng lại với các mảng phát ban màu hồng, nhỏ như nốt muỗi đốt. Nghe lời tư vấn từ một nhóm cộng đồng bệnh nhân vảy nến, chị K sử dụng bài thuốc uống nước lá đu đủ đực, củ ráy đun sôi hàng ngày, tắm với một số loại lá cây. Sau 1 tuần, vảy nến bùng phát nặng, da khô, nứt nẻ, chảy dịch vàng, đau ngứa.

Chị K đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM trong tình trạng sẩn mảng hồng ban tróc vảy loang lổ khắp người. Nghiêm trọng nhất là 2 bắp chân sưng đỏ, nhiều mụn mủ, tróc vảy, đau nhức hạn chế đi lại. Nữ bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng nhiễm trùng, nhiễm nấm da trên nền vảy nến mảng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung - chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, mỗi tuần chuyên khoa tiếp nhận khoảng 20-30 bệnh nhân vảy nến; trong đó, khoảng 5-10 ca bị biến chứng do tự điều trị.

Hiện chưa có bằng chứng khoa học khẳng định thuốc đông y, thuốc gia truyền hay loại lá cây nào có thể điều trị được vảy nến. Dùng các loại thuốc này thường khiến bệnh nặng hơn.

Cách kiểm soát ổn định bệnh vảy nến

ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi - Phó Trưởng phòng Phòng Kế Hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM - cho hay, vảy nến là một trong những bệnh da viêm mạn tính phổ biến trong da liễu. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, bao gồm dùng thuốc trị vảy nến (thuốc thoa, thuốc toàn thân cổ điển, thuốc sinh học), quang trị liệu và các biện pháp không dùng thuốc khác. Người bệnh cần tiến hành thăm khám trực tiếp để được chỉ định các liệu pháp điều trị vảy nến phù hợp.

Để kiểm soát ổn định bệnh vảy nến, bác sĩ Uyển Nhi khuyến cáo người bệnh cần lưu ý đây là một quá trình điều trị dài, liên tục. Người bệnh cần tái khám đều đặn, theo đúng lịch với bác sĩ chuyên khoa da liễu. Đồng thời, tuân thủ phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh đã được bác sĩ chỉ định. Cần nắm rõ các yếu tố thúc đẩy vảy nến phát triển để phòng tránh bệnh bùng phát.

Nếu bệnh nhân đang điều trị đồng thời một bệnh lý khác, cần thông tin đầy đủ với bác sĩ những toa thuốc, những loại thuốc đang dùng. Điều này giúp bác sĩ xem xét tương tác giữa các thuốc, đưa ra chỉ định sử dụng phù hợp, an toàn.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-04T00:02:50Z dg43tfdfdgfd