BốN NGườI VIêM RUộT DO NGộ độC SAU ăN BáNH Mì ở ĐồNG NAI

Chị Thảo, 42 tuổi, cùng 9 thành viên gia đình bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng ở Đồng Nai, trong đó bốn người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM với tình trạng viêm ruột.

Ngày 7/5, BS.CKI Nguyễn Hữu Trí, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết 4 bệnh nhân triệu chứng giống nhau khi nhập viện là nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt. Kết quả xét nghiệm máu, siêu âm bụng, soi phân của họ cho thấy bạch cầu và CRP trong máu tăng cao, có tình trạng nhiễm trùng. Siêu âm ghi nhận ứ dịch các quai ruột, dày thành ruột. Bác sĩ chẩn đoán cả bốn bị viêm ruột do ngộ độc thực phẩm.

Mức độ ngộ độc của bệnh nhân không nặng, bác sĩ không chỉ định xét nghiệm cấy phân, cấy máu để xác định tác nhân gây nhiễm khuẩn. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh, truyền dịch, dùng men tiêu hóa, thuốc chống co thắt ruột, thuốc bảo vệ niêm mạc đường ruột. Trong quá trình điều trị, người bệnh xuất hiện tình trạng nặng ngực, khó thở nên được theo dõi chức năng hô hấp và các biến chứng tim mạch kèm theo. Sau 5 ngày điều trị, tất cả bệnh nhân sức khỏe ổn định, được xuất viện.

6 người khác trong gia đình điều trị tại bệnh viện địa phương, sau đó mẹ chị Thảo triệu chứng nhẹ được theo dõi tại nhà. Chị Thảo cho hay đã mua 10 ổ bánh mì tại tiệm Băng ở Long Khánh hôm 30/4, sau khi ăn cả nhà xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như trên, lần lượt vào viện cấp cứu.

Gia đình chị Thảo trong số hơn 560 người ở Đồng Nai bị ngộ độc sau ăn bánh mì tiệm Băng vào các ngày 30/4 đến 2/5. Trong số ngộ độc có 12 ca nặng phải chuyển viện tuyến trên. Nặng nhất là bé trai 6 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, vẫn hôn mê sâu, thở máy, lọc máu. Một trường hợp nặng khác là bệnh nhi 7 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện sức khỏe tiến triển hơn.

Kết quả xét nghiệm và cấy máu mẫu bệnh phẩm ghi nhận một cháu nhiễm khuẩn Salmonella, 3 cháu nhiễm khuẩn E.coli - những vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh đường tiêu hóa.

Cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc. Hiện chưa có kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn nên chưa xác định nguyên nhân gây ngộ độc. Tiệm bánh mì Băng bị ngưng hoạt động.

Bác sĩ Trí lưu ý ngộ độc thực phẩm thường xảy ra khi nắng nóng kéo dài, thức ăn dễ ôi thiu hoặc nhiễm khuẩn nếu không được chế biến, bảo quản phù hợp. Vi sinh vật gây bệnh có trong thức ăn như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (hoặc độc tố của chúng), chất độc hóa học, chất độc tự nhiên có trong thực phẩm.

Triệu chứng xuất hiện sau vài giờ hoặc vài ngày khi sử dụng thực phẩm nhiễm độc. Các triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như tiêu chảy, đau bụng, sốt, nôn ói, đau đầu, đau cơ.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh như lượng độc tố ăn phải, sức khỏe của từng người. Nếu ngộ độc nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi trong vòng 48 giờ. Triệu chứng ngộ độc kéo dài, người bệnh cần đến cơ sở y tế để điều trị, phòng ngừa diễn tiến nặng như mất nước, nhiễm trùng huyết, sốc.

Ngộ độc thực phẩm nguy hiểm khi có các triệu chứng đi kèm như rối loạn thần kinh (nhất là nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt), rối loạn tim mạch, có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như đau ngực, cổ, hàm, họng)...

Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo ăn uống vệ sinh, an toàn thực phẩm, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Quyên Phan

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-07T09:18:24Z dg43tfdfdgfd