CáC LOạI ốNG THôNG TIểU PHổ BIếN

Người bệnh tiết niệu được đặt ống thông tiểu ngắt quãng, liên tục hoặc ống dẫn lưu bàng quang trên xương mu tùy từng trường hợp.

BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đặt ống thông tiểu là thủ thuật y tế được áp dụng phổ biến nhằm dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang ra ngoài khi người bệnh không thể đi tiểu tự nhiên. Các loại ống thông tiểu được sử dụng phổ biến gồm:

Ống thông tiểu ngắt quãng là loại sử dụng ngắn hạn, được rút ra sau khi dẫn lưu hết nước tiểu trong bàng quang ra ngoài. Bác sĩ bôi trơn một đầu ống rồi đưa vào bàng quang qua niệu đạo, đầu còn lại kết nối với túi chứa nước tiểu.

Ống thông tiểu liên tục thường được gọi là ống thông Foley. Loại ống này được đặt trong bàng quang một thời gian dài, tối đa 90 ngày, tùy trường hợp, rồi thay mới để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Đầu ống kết nối với túi chứa nước tiểu có van đóng hoặc mở giúp người bệnh hoặc người chăm sóc chủ động trong việc xả nước tiểu. Quy trình đặt ống thông tiểu liên tục tương tự ống thông tiểu ngắt quãng.

Ống dẫn lưu bàng quang trên xương mu là loại ống thông tiểu có một đầu được đặt vào trong bàng quang thông qua một lỗ nhỏ cỡ 1 cm trên bụng, đầu còn lại kết nối với túi chứa nước tiểu. Nước tiểu được dẫn lưu trực tiếp từ bàng quang ra khỏi cơ thể mà không cần đi qua niệu đạo như bình thường. Để đặt ống, bác sĩ thực hiện phẫu thuật mở bàng quang ra da, người bệnh được gây mê toàn thân.

Hình thức đặt ống thông tiểu này thường được chỉ định cho người bệnh bị chấn thương niệu đạo (tắc nghẽn niệu đạo, viêm niệu đạo...); đặt ống thông tiểu thông thường không thành công, vừa trải qua cuộc phẫu thuật bàng quang phức tạp... Người bệnh cần đến bệnh viện thay ống mới sau mỗi 4-8 tuần để tránh nhiễm trùng.

Thời gian mang ống thông tiểu ở mỗi người bệnh khác nhau. Người cần mang ống thời gian sau khi xuất viện được hướng dẫn cụ thể về cách tháo lắp, thay thế, vệ sinh và chăm sóc tại nhà.

Bác sĩ Tiến Đạt khuyến cáo trong thời gian đặt ống thông tiểu, nếu người bệnh nhận thấy nước tiểu đục, lạnh run, sốt cao, rò rỉ nước tiểu quanh ống, đau bụng dưới hay vị trí đặt ống... cần đến bệnh viện tái khám để xác định nguyên nhân, xử trí phù hợp.

Thắng Vũ

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-05T02:10:02Z dg43tfdfdgfd