Có CầN TIêM VACCINE PHòNG BệNH TIêU HóA Dù KHôNG ăN HàNG?

Tôi chỉ ăn cơm ở nhà và tự chế biến thực phẩm, không ăn tại nhà hàng, quán xá, có cần chủng ngừa vaccine tả, thương hàn... không? (Anh Tuấn, 30 tuổi, TP HCM)

Trả lời:

Các bệnh tiêu hóa thường xảy ra vào mùa hè do thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho mầm bệnh phát triển gây ôi thiu, hư hỏng thực phẩm. Thực tế, thức ăn đường phố, vỉa hè, hàng rong hoặc ở cơ sở không kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm.

Tương tự, việc tự nấu thức ăn tại nhà có thể không đảm bảo vệ sinh, gây bệnh tiêu hóa, nếu có các điều kiện sau: nguồn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; không nấu chín thực phẩm; món ăn bảo quản nhiều ngày trong tủ lạnh; uống nước chứa mầm bệnh; thức ăn bị ruồi nhặng mang vi khuẩn đậu vào; bảo quản không đúng cách dẫn đến nhiễm độc... Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn thông qua tiếp xúc đồ vật, bề mặt chứa mầm bệnh.

Do đó, khi tự chế biến thức ăn, ăn tại nhà, bạn vẫn cần tiêm chủng các loại vaccine tiêu hóa hiện có như viêm gan A, tả, thương hàn. Bên cạnh đó, bạn cần kết hợp với nhiều bệnh pháp phòng bệnh chủ động khác như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và chế biến thực phẩm, mua thực phẩm rõ nguồn gốc, có biện pháp làm sạch thực phẩm trước khi chế biến uống nước sạch... để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Các loại vaccine phòng bệnh đường tiêu hóa kể trên đều có hiệu quả trên 80%. Lịch uống vaccine tả gồm 2 liều cách nhau 14 ngày; mũi ngừa thương hàn gồm 1 liều, tiêm nhắc lại mỗi 2 năm; loại ngừa viêm gan A và B tiêm 3 mũi trong 6 tháng. Bạn và gia đình nên chủng ngừa từ sớm kịp thời sinh miễn dịch phòng bệnh, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để có lịch tiêm phù hợp.

Thương hàn là bệnh về đường tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella typhi. Vi khuẩn sống được ở môi trường ngoài cơ thể, khoảng 2-3 tuần trong môi trường nước, 2-3 tháng trong phân hoặc nước đá. Bệnh lây lan khi ăn phải thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm phân người có chứa vi khuẩn.

Viêm gan A lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc với chất thải, đồ dùng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh, không ăn chín, uống sôi.

Còn bệnh tả do nhiễm phẩy khuẩn Vibrio Cholerae, lây qua đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân người hoặc động vật và qua thực phẩm bị nhiễm bệnh trong quá trình chế biến hoặc bảo quản không vệ sinh. Bệnh cũng có thể lây lan do ruồi, nhặng nhiễm phẩy khuẩn tả.

Bác sĩ Lâm Sơn Hải

Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-08T13:27:39Z dg43tfdfdgfd