Cơ CHế VACCINE GIúP BảO Vệ Mẹ Và EM Bé KHI MANG BầU

Việc tiêm vaccine khi mang thai dựa vào cơ chế truyền miễn dịch tự nhiên của mẹ sang thai nhi để bé có kháng thể với bệnh trong những tháng đầu đời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, bác sĩ trưởng Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ (TP HCM), cho biết nhiều người vẫn còn quan điểm không tiêm chủng khi mang thai vẫn sinh con khỏe mạnh, hoặc việc tiêm chủng gây tốn kém và không hiệu quả. Bác sĩ Cúc cho rằng việc hiểu sai về vaccine sẽ khiến thai phụ bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh cho bản thân và em bé.

Khuyến cáo tiêm vaccine khi mang thai dựa trên cơ chế truyền kháng thể từ mẹ sang con. Cơ chế này bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai đến tam cá nguyệt thứ ba trong thai kỳ, các kháng thể sẽ truyền tự nhiên từ thai phụ sang em bé thông qua nhau thai. Mỗi tam cá nguyệt kéo dài ba tháng.

Nghiên cứu năm 2012 đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ với chủ đề "Chuyển giao IgG qua nhau thai ở thai kỳ khỏe mạnh và bệnh lý", cũng làm rõ cơ chế nói trên. Theo đó, quá trình truyền kháng thể chỉ áp dụng với loại IgG, bắt đầu ngay từ tuần thứ 13 của thai kỳ. Lượng kháng thể truyền sang em bé cao nhất diễn ra trong tam cá nguyệt thứ ba, gia tăng liên tục từ tuần thứ 17 đến tuần thứ 41.

Nồng độ IgG của thai nhi chỉ bằng 5-10% nồng độ của mẹ ở tuần 17-22, sau đó đạt tới 50% nồng độ của mẹ ở tuần 28-32. Phần lớn IgG được thai nhi thu nhận trong 4 tuần cuối của thai kỳ và nồng độ IgG của thai nhi thường vượt quá nồng độ IgG của mẹ từ 20-30% khi đủ tháng. Nồng độ kháng thể trong máu cuống rốn tăng mạnh sau tuần thứ 36 của thai kỳ. Tuổi mẹ, cân nặng, số lần sinh và hình thức sinh nở không ảnh hưởng đến việc truyền kháng thể qua nhau thai.

Thực tế, việc chủng ngừa cho thai phụ vốn đã thực hiện từ thế kỷ 19, bắt đầu từ năm 1879 với sự công nhận về em bé có miễn dịch với bệnh đậu mùa sau khi người mẹ tiêm vaccine trong thai kỳ. Các thống kê sau đó vào năm 1940 tiếp tục cho thấy vaccine ho gà tiêm cho thai phụ giúp truyền kháng thể tốt cho trẻ sơ sinh. Những năm 1950-1960, tiêm phòng bại liệt và cúm ở thai phụ được khuyến khích và triển khai rộng rãi để chống lại sự gia tăng tỷ lệ tử vong và lây lan của hai bệnh này ở phụ nữ mang thai.

Do đó, bác sĩ Cúc đánh giá tiêm ngừa trước và trong thai kỳ là cách bảo vệ mẹ và em bé, đồng thời giúp em bé mới chào đời chống lại dịch bệnh. Vaccine cũng giúp bảo vệ trẻ trong thời gian bú mẹ. Kháng thể bài tiết qua sữa mẹ, sẽ giúp bảo vệ trẻ khi chưa đủ khả năng tự tạo miễn dịch.

Hiện, nhiều loại vaccine như cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván đang được triển khai tiêm chủng rộng rãi cho thai phụ ở các nước trên thế giới và tại Việt Nam. Theo bác sĩ Cúc, mẹ bầu cần tiêm ngừa cúm và uốn ván (mũi uốn ván đơn hoặc bạch hầu - ho gà - uốn ván) vào hai tháng giữa và cuối thai kỳ.

Loại phòng cúm chỉ cần một mũi và nhắc lại hàng năm. Loại có thành phần uốn ván dùng hai mũi trong lần mang thai đầu tiên nếu chưa chủng ngừa, nhắc lại vào các lần mang thai tiếp theo. Mũi có thành phần uốn ván cần tiêm cách thời điểm sinh tối thiểu một tháng để cơ thể kịp sinh kháng thể bảo vệ mẹ và bé.

Bên cạnh đó, mẹ bầu mắc các bệnh sởi, quai bị, rubella, thủy đậu... đều có thể ảnh hưởng sức khỏe mẹ và thai nhi, tăng nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai, thai chết lưu. Do vaccine phòng các bệnh này là dạng sống giảm độc lực nên phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm trước khi mang thai 3 tháng. Chủng ngừa trước khi mang thai cũng là cách phòng bệnh cho mẹ và truyền kháng thể, bảo vệ con trước khi đến tuổi tiêm chủng.

Nhật Linh

9h ngày 30/3, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức lớp tư vấn sức khỏe thai, sản số 21 với chủ đề "Tiêm vaccine dự phòng bệnh hô hấp ở phụ nữ mang thai: Tầm quan trọng và những điều cần lưu ý" do bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, bác sĩ trưởng VNVC Hoàng Văn Thụ trình bày. Chương trình có sự đồng hành của Abbott Việt Nam.

Lớp học diễn ra tại VNVC Hoàng Văn Thụ, số 198 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM. Độc giả quan tâm và tham gia đăng ký tại đây.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-03-29T12:43:34Z dg43tfdfdgfd