DấU HIệU NHậN BIếT GOUT

Gout ở từng giai đoạn có các triệu chứng khác nhau, nhận biết sớm các dấu hiệu như khớp sưng đau, nóng, giúp điều trị dễ hơn, phòng tránh biến chứng.

Gout là bệnh viêm khớp thường gặp, gây ra các cơn đau đột ngột, dữ dội tại những khớp ngón chân, cổ chân, khớp gối hay các khớp cổ tay, bàn tay... đi kèm triệu chứng sưng đỏ. Thậm chí, người bệnh không thể đi lại được do đau.

ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Nội cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết dù là bệnh xương khớp lành tính, những biến chứng của gout như gãy xương, sỏi thận, đái tháo đường... có thể gây tàn phế, đe dọa tính mạng. Người bệnh cần chú ý đến các bất thường của cơ thể để kịp thời khám và điều trị.

Ở giai đoạn đầu của gout, người bệnh mới chỉ tăng nồng độ axit uric trong máu, chưa hình thành các tinh thể gây viêm khớp nên thường không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Đa số trường hợp phát hiện bệnh vào giai đoạn này thường không phải điều trị, có thể kiểm soát bệnh bằng các biện pháp chăm sóc và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt... Ngược lại, nếu không được phát hiện sớm, nồng độ axit uric tiếp tục tăng, dẫn tới tích tụ những tinh thể urat gây viêm và xuất hiện triệu chứng bệnh.

Trong giai đoạn 2, các triệu chứng rõ ràng. Những tinh thể uric lắng đọng quanh khớp, thường gặp ở khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay và khuỷu tay, gây viêm cấp tính. Lúc này, người bệnh đau dữ dội và khó chịu, các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, nóng và đỏ. Những đợt khởi phát bệnh thường xuất hiện đột ngột, chỉ kéo dài 3 đến 10 ngày, triệu chứng đau giảm dần theo thời gian.

Ở giai đoạn 3, tần suất khởi phát viêm và các triệu chứng gout cấp ngày càng dày đặc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khớp.

Gout phát triển đến giai đoạn 4 có thể xuất hiện các hạt tophi. Những hạt này có hình dạng như các nốt sần nhỏ, căng phồng và phát triển ngay bên dưới da, tại vị trí các khớp xương. Nhiều khớp trên cơ thể, thậm chí là thận, có thể đã xuất hiện các tổn thương vĩnh viễn. Ở giai đoạn này, nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng không thể phục hồi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng vận động.

Bác sĩ Vân khuyến cáo ở giai đoạn đầu, gout thường không có triệu chứng rõ rệt. Những người có nguy cơ mắc bệnh nên chú ý các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể để kịp thời điều trị, ngăn bệnh tiến triển nặng, giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là những yếu tố gây nguy cơ cao mắc bệnh.

Phụ nữ ở tuổi mãn kinh có nguy cơ rối loạn nội tiết tố, nhất là rối loạn estrogen. Đây là hormone chính giúp thận bài tiết axit uric ra ngoài, làm tăng khả năng mắc bệnh gout ở nhóm này.

Lối sống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, tiêu thụ nhiều đạm động vật trong khẩu phần ăn... cản trở loại bỏ axit uric và tăng tích tụ axit uric trong cơ thể.

Thừa cân, béo phì làm cơ thể sản xuất nhiều axit uric hơn dưới dạng chất thải chuyển hóa. Nồng độ chất béo trong cơ thể cao hơn cũng làm tăng mức độ viêm toàn thân do các tế bào chất béo sản xuất ra các cytokine gây viêm.

Di truyền: Bác sĩ Vân dẫn các nghiên cứu cho thấy có trên 5 loại gene di truyền liên quan đến nguyên nhân gây gout và người có tiền sử gia đình mắc bệnh có nguy cơ gout cao hơn.

Các vấn đề sức khỏe như bệnh thận có thể gây ảnh hưởng đến khả năng loại bỏ chất thải của cơ thể, làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Các bệnh khác có liên quan đến gout như tăng huyết áp, tiểu đường...

Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể như thuốc lợi tiểu, thuốc có chứa salicylate.

Phi Hồng

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-19T09:14:57Z dg43tfdfdgfd