KHốI U HìNH DạNG GIốNG QUả THậN đè LêN DâY THầN KINH

Ông Bình, 73 tuổi, bụng sưng to hai tháng nay, bác sĩ phát hiện khối u lớn sau màng bụng ít gặp, đè lên dây nhiều thần kinh.

Ngày 7/5, BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối u kích thước 6x9 cm nằm ở khoang sau phúc mạc (màng bụng), phía trước giữa cơ thắt lưng và đốt sống L5-S1. Khối u đè lên dây thần kinh L4 (kiểm soát chuyển động của cơ hông và đầu gối) bên trái. Khối u còn đẩy cơ thắt lưng ra ngoài, đẩy động mạch và tĩnh mạch chậu ngoài vào trong, chèn ép dây thần kinh L5 (kiểm soát hoạt động cẳng chân, bàn chân, ngón chân) bên trái.

U lành tính nhưng lớn, gần nhiều dây thần kinh, khó mổ nội soi. Bác sĩ chọn mổ mở cắt u nhằm kiểm soát mất máu tốt hơn, bóc tách chính xác và ít biến chứng hơn.

Ê kíp mổ bóc tách các tổ chức bên dưới bụng, tiếp cận khối u. Bác sĩ Đạt cho biết đây là u phát sinh từ dây thần kinh nên quá trình bóc tách phải tỉ mỉ, cẩn thận. Trường hợp làm tổn thương dây thần kinh, người bệnh sẽ mắc hội chứng rễ thần kinh, khiến chân trái nguy cơ yếu và đau tê dai dẳng.

Sau 20 phút phẫu thuật, ê kíp lấy ra khối u thành công, bảo toàn chức năng các dây thần kinh cho người bệnh. Khối u cứng, hình dạng giống một quả thận, không có mạch máu nuôi lớn nên người bệnh mất ít máu trong quá trình mổ. Ba ngày sau, ông Bình phục hồi, ít đau, ăn uống và đi lại bình thường, được xuất viện.

U sau phúc mạc không phát triển từ các tạng sau phúc mạc (thận, tuyến thượng thận, niệu quản...), mà phát sinh từ mô, thần kinh, tế bào mầm, hay các nang sau phúc mạc. Bác sĩ Đạt cho biết đây là loại u ít gặp, chiếm chưa tới 1% số khối u trong cơ thể nhưng tỷ lệ ác tính cao, khoảng 65-86%.

U thường phát triển âm thầm, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe có siêu âm hoặc chụp CT vùng bụng. Khoảng 50% trường hợp được phát hiện khi khối u sau phúc mạc có kích thước trên 20 cm.

Người bệnh có triệu chứng bụng căng tức, cảm nhận khối u trồi lên, đau bụng dai dẳng, buồn nôn và nôn mửa, mệt mỏi..., khả năng khối u là ác tính. Phẫu thuật là giải pháp được ưu tiên điều trị u sau phúc mạc, nhất là trường hợp ác tính.

Bác sĩ Tiến Đạt khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng mỗi lần để kịp thời phát hiện và điều trị u sớm, hiệu quả cao. Người bệnh khi sờ nắn thấy khối u bất thường trồi lên trong bụng cần đến viện khám để chẩn đoán xác định tính chất, tránh u ác tính, để lâu di căn, điều trị phức tạp.

Thắng Vũ

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-07T07:03:05Z dg43tfdfdgfd