LợI íCH CủA DâU TâY VớI NGườI BệNH TIểU đườNG

Dâu tây có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giàu chất xơ, vitamin C, góp phần chống viêm, giảm kháng insulin, ngăn tăng đường huyết.

Dâu tây có vị ngọt nên người bệnh tiểu đường thường không dám ăn. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường có thể thưởng thức dâu tây ở mức độ vừa phải để tận dụng lợi ích.

Dâu tây giàu chất xơ, lượng calo thấp, chỉ số đường huyết (GI) thấp góp phần ngăn ngừa đường huyết tăng đột ngột. Chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ đường và cải thiện lượng đường trong máu. Chất này còn thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tăng cảm giác no, hỗ trợ kiểm soát cân nặng - yếu tố quan trọng khác trong quản lý bệnh tiểu đường.

Loại quả mọng đỏ này có hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào như anthocyanin, có đặc tính chống viêm, chống ung thư và kháng khuẩn. Tác dụng chống viêm trong dâu tây góp phần làm giảm tình trạng kháng insulin.

Béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiểu đường. Ăn dâu tây có thể giúp kiểm soát cân nặng vì chúng nhiều nước, ít calo và đường. Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim. Trong khi dâu tây có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol có hại (LDL), giảm căng thẳng oxy hóa, đồng thời cải thiện chức năng mạch máu.

Người tiểu đường có ăn dâu tây như một phần của chế độ ăn uống cân bằng song nên chú ý đến tổng lượng tiêu thụ. Một cốc dâu tây cắt lát (100 g) chứa khoảng 11 g carbohydrate, trong đó 2,9 g là chất xơ. Dâu tây có chứa carbohydrate nên ăn với số lượng lớn cùng lúc có thể làm tăng đường huyết.

Ăn dâu tây trực tiếp hoặc kèm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như món salad để kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn. Kết hợp loại quả này với thực phẩm giàu protein như sữa chua Hy Lạp hoặc chứa chất béo lành mạnh để tăng hương vị và dinh dưỡng, giảm tác động đến lượng đường trong máu.

Người bệnh tiểu đường không nên thêm đường hoặc chất làm ngọt khi ăn. Tránh ăn dây tây với quả có chỉ số đường huyết cao như dưa hấu, xoài chín, chuối chín, mít... Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh nhiều rau, quả, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế đường và carbohydrate tinh chế.

Thường xuyên hoạt động thể chất để kiểm soát lượng đường trong máu, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thiền và yoga giúp giảm căng thẳng. Người bệnh nên uống nhiều nước, theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên và khám sức khỏe định kỳ.

Anh Chi (Theo Healthshots)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-07T01:02:08Z dg43tfdfdgfd