MộT MìNH CHữA Vô SINH

Trong 6 năm điều trị vô sinh, trừ lúc chồng đến lấy mẫu tinh trùng, còn lại chị Vân, 38 tuổi, một mình đi khám, kích trứng, chuyển phôi để có con.

Vợ chồng chị Vân - anh Khánh, 41 tuổi, kết hôn một năm chưa có con, chồng cho rằng mình sinh lý hoàn toàn bình thường nên không đi khám sức khỏe sinh sản. Chị Vân đến bệnh viện, kết quả sức khỏe không ghi nhận bất thường. Chồng chị sau đó cũng chịu đi khám, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy tinh trùng rất yếu, gần như bất động, tỷ lệ dị dạng cao, khó có con tự nhiên.

6 năm qua, vợ chồng chị thụ tinh ống nghiệm (IVF) hai chu kỳ, 5 lần chuyển phôi nhưng đều không đậu thai. Anh Khánh chỉ đến bệnh viện vào ngày lấy mẫu tinh trùng, còn lại ủy quyền cho vợ. Chị Vân một mình đi tiêm thuốc kích trứng, chọc hút, chuyển phôi, tủi thân khi chuyển phôi thất bại, thai sinh hóa.

"Tôi đã 38 tuổi, dự trữ buồng trứng còn 0.9, còn cơ hội có con không", chị Vân băn khoăn hỏi bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVF Tâm Anh TP HCM), cuối năm 2023.

Ở một hoàn cảnh khác, chị Phượng, 36 tuổi, kiều bào tại Mỹ, cũng được chồng ủy quyền bằng văn bản để thực hiện các bước thụ tinh ống nghiệm tại IVF Tâm Anh TP HCM, do anh không thể bỏ việc để ở Việt Nam thường xuyên. Vợ chồng chị kết hôn 9 năm không có con do rối loạn nội tiết, lạc nội mạc tử cung, thực hiện hai chu kỳ thụ tinh ống nghiệm tại Mỹ thất bại. Tết Dương lịch 2024, họ về Việt Nam thăm gia đình kết hợp điều trị.

Chỉ số dự trữ buồng trứng của chị Phượng suy giảm mạnh, AMH còn 0.7 (phụ nữ dưới 38 tuổi có chỉ số AMH trung bình 2-6 ng/ml). Bác sĩ chỉ định gom trứng tích lũy nhiều chu kỳ, kéo dài nhiều tháng. Chồng chị được lấy mẫu tinh trùng và trữ đông xong rồi trở lại Mỹ để tiếp tục công việc.

"Tôi mong có chồng đồng hành nhưng vì hoàn cảnh nên đành chấp nhận", chị Phượng nói, cho biết chồng thường xuyên gọi điện động viên vợ.

Hai chị là những trường hợp mới nhất trong nhiều bà vợ phải một mình trong hành trình chữa vô sinh tại IVF Tâm Anh TP HCM. Mỗi người một hoàn cảnh. Có người chồng không thu xếp được thời gian do công tác xa, bận rộn công việc, sống ở nước ngoài, ngại đến viện hoặc sợ bị đánh giá về khả năng sinh lý... Họ chỉ cùng vợ đến viện khám và lấy mẫu tinh trùng. Quá trình điều trị sau đó, bệnh viện cho phép họ ủy quyền để người vợ thực hiện tiếp.

"Nhiều phụ nữ gặp áp lực lớn bởi một mình gánh vác các công đoạn chữa vô sinh nên họ luôn cần hỗ trợ tâm lý, giúp họ không cảm thấy đơn độc", bác sĩ Vỹ cho biết.

Quá trình điều trị thụ tinh ống nghiệm gồm nhiều bước: Thu mẫu tinh trùng, tiêm thuốc nội tiết kích thích buồng trứng 10-12 ngày, siêu âm theo dõi sự phát triển của nang trứng, chọc hút trứng, lọc rửa tinh trùng và trứng, thụ tinh ống nghiệm, nuôi cấy phôi, chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển phôi. Tùy tình trạng cụ thể của người bệnh mà thời gian điều trị khác nhau. Phụ nữ lớn tuổi, vô sinh nhiều năm, ít trứng, suy giảm dự trữ buồng trứng sớm..., cần gom trứng tích lũy nhiều chu kỳ, thời gian điều trị kéo dài hơn.

Để hoàn thành quy trình khó khăn vất vả trên, người phụ nữ cần có sự hỗ trợ của chồng và người thân, theo bác sĩ Vỹ. Trong điều trị hỗ trợ sinh sản, ngoài công nghệ hiện đại, trình độ chuyên môn của bác sĩ, yếu tố tâm lý của người bệnh giữ vai trò quan trọng. Do đó, bác sĩ còn kiêm luôn vai trò hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho những bệnh nhân của mình, giúp họ mang thai và sinh con thành công.

Chị Phượng được gom trứng ba chu kỳ, thu 7 trứng trưởng thành. Chuyên viên phôi học sử dụng trứng tươi của chu kỳ sau cùng, rã đông trứng các chu kỳ trước đó và tinh trùng của người chồng để thụ tinh ống nghiệm, nuôi cấy được bốn phôi chất lượng tốt, trữ đông. Chị Phượng đang được chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện để chuyển phôi trong thời gian tới.

Còn chị Vân gom trứng trong hai chu kỳ thu được 8 trứng. Kết quả thụ tinh và nuôi cấy thu được 4 phôi ngày 5. Tháng 2/2024, chị được chuyển một phôi vào lòng tử cung giúp đậu thai. Thai nhi hiện gần 14 tuần, phát triển khỏe mạnh.

"Cuối cùng ước mơ có con cũng thành hiện thực", chị Vân nói, cho hay chồng vốn ít thể hiện tình cảm nhưng từ khi vợ có thai đã quan tâm chăm sóc và đồng hành với vợ hơn.

Bác sĩ Vỹ lưu ý nguyên nhân vô sinh do người chồng tương đương với người vợ, chiếm khoảng 40% trường hợp. Do đó, nếu sau một năm quan hệ đều đặn không có thai, cả vợ và chồng nên đi khám sức khỏe sinh sản toàn diện để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, điều trị kịp thời, hiệu quả.

Hoài Thương

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-23T07:08:55Z dg43tfdfdgfd