NGHIệN RượU PHá HủY CHỏM XươNG đùI CủA NAM THANH NIêN

Anh Hải, 25 tuổi, thường xuyên uống nhiều rượu gây tắc mạch máu dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi hai bên, phải phẫu thuật thay khớp háng.

Anh Hải, ngụ Sơn La, làm nghề lái xe, hai năm nay đau nhức vùng hông mỗi lần lên xuống ôtô, không thể đi xe máy, ngồi ăn cơm không thể khoanh chân, phải chống chân, thường xuyên mất ngủ do đau tăng nặng về đêm. Khi nghỉ ngơi đau giảm, hoạt động nhiều thì đau lại. Anh uống nhiều thuốc không đỡ, gần như không thể đi lại.

Hôm 27/4, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết anh Hải bị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn cuối, thoái hóa khớp thứ phát không đáp ứng thuốc, lún sụp đầu xương đùi, chỉ định mổ thay khớp háng hai bên.

Theo bác sĩ Quyền, hoại tử chỏm xương đùi 80% xảy ra ở nam giới, thường gặp nhất ở độ tuổi 40-50. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ bệnh nhân dưới 40 tuổi ngày càng tăng, có trường hợp dưới 30 tuổi đã phải thực hiện phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Nguyên nhân là do lạm dụng rượu, thuốc lá, các loại thuốc chứa corticoid hoặc các bệnh lý tự miễn.

Bác sĩ Quyền giải thích thêm trường hợp anh Hải, rượu là nguyên nhân chính gây tổn thương. Bệnh nhân còn trẻ, hoạt động mạnh nhiều nên nhu cầu cung cấp máu cho chỏm xương đùi rất lớn. Người bệnh uống nhiều rượu trong thời gian dài, khoảng 300-1.500 ml/ngày, nhất là các loại rượu chưa loại bỏ hết độc tố, gây nhiễm độc, làm tắc các mao mạch nuôi chỏm xương đùi. Các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu dẫn đến hoại tử dần. Vùng hoại tử ban đầu là vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, dần gây gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, làm mất chức năng khớp háng, nặng nề nhất là tàn phế.

Nguy cơ lớn nhất khi thay khớp cho nhóm bệnh nhân trẻ tuổi là mòn khớp, dẫn đến lỏng khớp và có khả năng phải mổ thay lại khớp mới. "Lần thay khớp này đòi hỏi kỹ thuật chặt chẽ, đảm bảo đặt chính xác vị trí các cấu phần khớp, tránh nguy cơ thay khớp lần hai", bác sĩ Quyền nói. Cấu phần khớp phải ở vị trí tối ưu giúp gia tăng độ che phủ và giảm thiểu mài mòn khớp.

Người bệnh được phẫu thuật thay khớp bằng đường mổ Superpath. Ca mổ diễn ra nhanh chóng, ít đau, giảm tổn thương mô mềm, tỷ lệ nhiễm trùng thấp, nhất là người bệnh có thể xuất viện sau mổ chưa đầy 24 giờ.

Theo bác sĩ Quyền hiện nay, các kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn như Superpath kết hợp với sự phát triển của vật lý trị liệu và phục hồi chức năng giúp rút ngắn thời gian phục hồi. Bệnh nhân chỉ cần ở lại viện theo dõi một đêm sau phẫu thuật, hôm sau có thể về nhà.

Hai tuần sau mổ, anh Hải không còn đau, có thể đi lại không cần sử dụng nạng chống, tự thực hiện các sinh hoạt hằng ngày, thậm chí tự lái xe máy.

Bác sĩ Quyền lưu ý với bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn cuối, dù tuổi đời còn trẻ, thay khớp háng là giải pháp duy nhất để chấm dứt các cơn đau mạn tính và khôi phục vận động.

Để phòng bệnh, nên hạn chế tối đa rượu bia, bỏ thuốc lá; chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, tăng cường rau củ quả và hạn chế dầu mỡ. Người mắc các bệnh nội khoa như huyết áp, lipid máu, đường huyết... cần kiểm soát bệnh; không lạm dụng các loại thuốc chứa corticoid. Trong giai đoạn sớm, hoại tử chỏm xương đùi có thể điều trị thành công bằng thuốc hoặc phẫu thuật khoan giảm áp theo chỉ định của bác sĩ.

Ly Nguyễn

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-27T01:08:17Z dg43tfdfdgfd