NGUYêN NHâN GâY TRễ KINH

Kinh nguyệt của phụ nữ phản ánh sức khỏe các cơ quan sinh sản, nếu chậm trên 5 ngày có thể là dấu hiệu mang thai, mắc bệnh phụ khoa, tác dụng phụ của thuốc tránh thai.

Chu kỳ kinh nguyệt có độ dài trung bình khoảng 28 ngày. BS.CKI Trần Thị Thanh Phương, Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một số chu kỳ đều đặn, kéo dài 21-35 ngày vẫn được xem là bình thường. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, có hiện tượng chậm kinh sau quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai thì nên mua que thử thai hoặc đến cơ sở y tế để xét nghiệm beta-hCG.

Bên cạnh dấu hiệu chậm kinh, một số phụ nữ có thể có dấu hiệu mang thai sớm như buồn nôn hoặc nôn, ngực mềm, mệt mỏi, đau đầu, đau lưng, tiểu nhiều, ra máu báo thai.

Bác sĩ Thanh Phương khuyến cáo phụ nữ trễ kinh trên 5 ngày cần đi khám. Ngoài nguyên nhân có thai, phụ nữ có thể bị chậm kinh do nhiều yếu tố khác nhau.

Tác dụng phụ của thuốc tránh thai: Trong thành phần của thuốc tránh thai có hormone nội tiết tố nữ, thời gian đầu sử dụng cơ thể chưa được cung cấp lượng hormone ổn định, từ đó xảy ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt. Một số trường hợp trễ kinh, kinh nguyệt ít hơn hoặc mất kinh hoàn toàn.

Tăng hoặc giảm cân: Phụ nữ tăng hoặc giảm cân nhanh khiến cơ thể giảm sản xuất hormone estrogen, từ đó gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể - một trong những nguyên nhân phổ biến của trễ kinh.

Tập thể dục quá sức: Thường gặp là vận động viên, huấn luyện viên, người chơi thể thao lâu năm tập luyện cường độ cao gây áp lực cho cơ thể, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố nữ.

Bệnh phụ khoa: Nếu phụ nữ có bệnh phụ khoa như u xơ cổ tử cung, viêm âm đạo... cũng có thể bị chậm kinh.

Căng thẳng, stress: Cơ thể căng thẳng dài ngày ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, khiến tăng tiết hormone cortisol, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản sinh các nội tiết tố nữ như estrogen và progesterone. Estrogen bị rối loạn ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt.

Trễ kinh cũng là dấu hiệu cảnh báo vô sinh do bất thường hoạt động rụng trứng ở nữ giới. Phụ nữ nên đi khám để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.

Phụ nữ có thể áp dụng một số cách hạn chế tình trạng chậm kinh như ăn uống lành mạnh, tập thể thao vừa phải và đều đặn, cân bằng công việc và thời gian nghỉ ngơi, khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần.

Tuệ Diễm

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-05T04:10:19Z dg43tfdfdgfd