NấM TAI ở NGườI LớN TUổI

Người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy yếu dễ bị nấm tấn công và phát triển nhanh trong tai, tiến triển bệnh nặng hơn so với người bình thường.

Ngày 24/4, ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng có những trường hợp người bệnh bị nấm tai kéo dài, không điều trị dẫn đến biến chứng.

Nấm tai do vi nấm gây ra, thường gặp là vi nấm Aspergillus và Candida, gây khó chịu dai dẳng cho người bệnh. Triệu chứng gồm ngứa tai, chảy dịch đục, có mùi hôi, đau tai, ù tai, suy giảm thính lực. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng người già dễ mắc và tiến triển nặng hơn so với lứa tuổi khác.

Ở người lớn tuổi, tế bào miễn dịch giảm và sự phối hợp hoạt động của các tế bào này không được tốt, nên khả năng bảo vệ cơ thể kém trước các vi nấm gây bệnh.

Miễn dịch yếu, mắc nhiều bệnh nền tạo điều kiện cho vi nấm tấn công dễ dàng và phát triển nhanh hơn, cộng sinh với vi khuẩn khiến bệnh tiến triển nhanh và nặng.

Tình trạng này gây nên các biến chứng như thủng màng nhĩ, xâm lấn hoại tử xương chũm khiến viêm tai xương chũm và nặng hơn có thể lan lên nội sọ dẫn đến viêm màng não.

Như Bà Thương, 86 tuổi, từng bị viêm tai giữa thủng nhĩ cách đây ba năm, điều trị nội khoa, không vá nhĩ. Gần đây, tai chảy dịch nhiều, ngứa, khó chịu, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.

Bác sĩ Phúc Anh cho biết bà Thương bị viêm tai giữa thủng nhĩ bội nhiễm nấm, được điều trị kháng nấm. Tái khám sau hai tuần, bà không còn ngứa, chảy dịch tai và hết nấm.

"Các trường hợp nấm tai đều có thể chữa dứt điểm nếu người bệnh tuân thủ điều trị", bác sĩ Phúc Anh nói. Bệnh phát hiện sớm có thể chữa dễ dàng vì nấm ở giai đoạn đầu dễ loại bỏ. Tuy nhiên, trường hợp nấm ăn sâu, rộng, chảy dịch và gây thủng màng nhĩ, người bệnh cần được theo dõi và điều trị thường xuyên.

Như bà Hòa, 65 tuổi, bị nấm tai gây thủng nhĩ, phải tái khám mỗi tuần để bác sĩ vệ sinh tai, làm sạch nấm khỏi ống tai và sử dụng thuốc trị nấm trực tiếp vào vùng bị tổn thương. Sau 3 lần tái khám, vi nấm trong tai bà Hòa giảm 80%. Bà tiếp tục điều trị tại Trung tâm Tai Mũi Họng khoảng hai tuần nữa để dứt điểm nấm tai.

Những bệnh nhân lớn tuổi, thủng nhĩ kèm nấm tai cần theo dõi để tránh tái phát. Bác sĩ cân nhắc chỉ định vá màng nhĩ dựa trên các yếu tố như tình trạng thính lực, tuổi tác, bệnh nền, mong muốn của người bệnh.

Nấm tai lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc với nấm. Người dùng chung các dụng cụ lấy ráy tai mà không được xử lý sát trùng, người tham gia các môn thể thao dưới nước (bơi, lặn...) mà không vệ sinh tai đúng cách, có nguy cơ cao lây nấm.

Quá trình điều trị, người bệnh cần giữ cho tai khô ráo, hạn chế nước vào tai vì làm tăng độ ẩm, tạo môi trường tốt cho vi nấm tái hoạt động. Phòng bệnh bằng cách vệ sinh tai sạch sẽ và đúng cách, sử dụng nút bịt tai khi đi bơi và làm khô tai sau đó. Không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai với người khác, cẩn trọng với thói quen ngoáy tai.

Uyên Trinh

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-24T01:11:36Z dg43tfdfdgfd