NằM NGủ NGHIêNG GIúP GIảM NGáY

Tư thế nằm nghiêng giúp duy trì lưỡi ở vị trí trung gian, làm thông thoáng đường thở, hỗ trợ giảm ngủ ngáy.

Khi cơ thể duy trì trạng thái hô hấp bình thường, lượng khí hít vào từ mũi hoặc miệng xuống phổi và thở ra tự nhiên. Nếu vùng hầu họng hẹp khiến lượng khí hít vào bị cản trở, các mô niêm mạc mềm xung quanh có thể rung lên và tạo ra âm thanh khò khè hay khàn khàn, phát ra từ mũi hoặc miệng gọi là ngáy. Những yếu tố như cân nặng, sức khỏe, hình dáng miệng, tư thế ngủ... có thể tạo ra những âm thanh lạ khác nhau trong khi ngủ.

Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nằm ngửa khi ngủ khiến lưỡi và hàm miệng bị tụt ra phía sau làm hẹp đường thở, ngủ ngáy nặng. Tư thế nằm ngửa có thể không chỉ gây ngáy mà còn dẫn đến tình trạng xẹp hoàn toàn đường thở dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA).

Nằm nghiêng khi ngủ giúp giảm ngủ ngáy. Ở tư thế này, đường thở thông thoáng nhờ lưỡi được giữ ở vị trí trung gian, không che lấp đường thở. Hiệu quả giảm ngáy tương đương nhau khi nằm nghiêng trái hoặc nghiêng phải. Tuy nhiên, nếu người ngủ ngáy có kèm một số bệnh nền cần cân nhắc nghiêng bên phải hay trái để không làm tăng nặng bệnh lý.

Nằm nghiêng bên phải phù hợp cho người bệnh tim vì tư thế này ít tạo áp lực lên tim, kiểm soát huyết áp và nhịp tim tốt hơn. Người bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có nguy cơ tăng huyết áp, rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác cũng nên ngủ nghiêng bên phải.

Ngủ nghiêng bên trái có ích cho phụ nữ mang thai giúp dễ ngồi dậy và giảm lực ép xuống vùng xương chậu khi xoay người. Khi mẹ bầu nằm nghiêng trái, lưu lượng máu đến tử cung, nhau thai tăng lên, đảm bảo cung cấp đủ oxy cho thai nhi.

Theo bác sĩ Thơm, ngủ ngáy liên quan tới tình trạng trào ngược dạ dày (GERD), cụ thể hơn là ở người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Cơ thể người mắc hội chứng này có thể xảy ra thay đổi áp suất do ngưng thở khi ngủ. Những thay đổi về áp lực trong thực quản làm tăng nguy cơ trào ngược axit. Phần lớn thể tích dạ dày nằm phía bên trái vùng bụng trên. Tư thế nghiêng trái giúp thực quản tiếp xúc ít axit dạ dày hơn, giảm tình trạng trào ngược và ợ nóng.

Nên tránh tư thế bào thai, co hai chân lên về gần bụng nếu ngủ nghiêng. Cong lưng và kéo tay chân gập về phía bụng gây áp lực lên lưng và hạn chế hơi thở khi ngủ. Kê gối cao hơn 12 độ để nâng cao đầu nhằm mở đường thở, hỗ trợ giảm triệu chứng ngáy.

Ngủ ngáy to có mối liên hệ với ngưng thở khi ngủ. Đây là chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, người bệnh có biểu hiện gián đoạn nhịp thở trong khi ngủ. Tình trạng thiếu oxy do ngưng thở khi ngủ dễ dẫn đến nhiều bệnh lý như cao huyết áp, đột quỵ hay suy tim, tiểu đường và đau tim, theo bác sĩ Thơm.

Nếu tình trạng ngủ ngáy kéo dài, người bệnh nên đến các cơ sở y tế kiểm tra nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Thông qua đo đa ký giấc ngủ - đa ký hô hấp, các điện cực được gắn lên cơ thể để ghi lại thông số lưu lượng dòng khí thở, nồng độ oxy máu, tư thế ngủ, nhịp tim để theo dõi những thay đổi sinh lý xảy ra trong giấc ngủ. Bác sĩ có thể nội soi tai mũi họng để phát hiện bệnh lý, cấu trúc gây hẹp tắc đường thở, đánh giá mức độ tắc nghẽn nhằm tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

Bác sĩ khuyến cáo người bị ngưng thở khi ngủ nhẹ thay đổi lối sống bằng cách giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ nghiêng, giảm bia rượu, thuốc lá, chất kích thích... Người bệnh có thể dùng dụng cụ hỗ trợ gắn miệng đẩy hàm, điều trị viêm mũi dị ứng, bệnh lý tai mũi họng, cắt amidan gây hẹp tắc đường thở nếu có. Người bệnh ở mức độ trung bình hoặc nặng có thể đeo máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) khi ngủ hoặc phẫu thuật vùng hầu họng mở rộng đường hô hấp trên.

Khuê Lâm

Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-09T09:15:04Z dg43tfdfdgfd