PHòNG NGừA RốI LOạN TIêU HóA CHO TRẻ DịP Lễ

Phụ huynh kiểm soát khẩu phần, cho bé ăn đúng giờ, không sử dụng đồ ăn cũ giúp phòng tránh nguy cơ rối loạn tiêu hóa trong những ngày nghỉ lễ.

Giờ giấc sinh hoạt và ăn uống những ngày lễ không được điều độ như ngày thường dễ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Chuyên viên dinh dưỡng Đỗ Thị Lan, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, gợi ý một số cách giúp phòng ngừa tình trạng này cho trẻ.

Kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ

Thức ăn ngày lễ thường chứa nhiều chất béo, ít rau xanh so với ngày thường, lượng nước cũng không được cung cấp đủ. Trẻ nhỏ cũng ăn các loại bánh kẹo, đồ ăn vặt, thức ăn chế biến sẵn nhiều hơn, từ đó dẫn tới đầy bụng, giảm cảm giác thèm thực phẩm dinh dưỡng khác.

Phụ huynh không kiểm soát tốt chế độ dinh dưỡng cho trẻ thừa cân béo phì trong những ngày lễ có thể khiến con nạp quá nhiều năng lượng, tăng cân nhanh. Nếu trẻ sử dụng thực phẩm chế biến sẵn không rõ nguồn gốc dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Chuyên viên Lan khuyến cáo chế độ ăn ngày lễ vẫn nên đảm bảo cân bằng nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất như thường ngày. Phụ huynh nên bổ sung thêm rau xanh và quả tươi vào bữa ăn của trẻ.

Rau ngót, rau cải, rau muống... chứa nhiều vitamin C, K, folate. Các loại quả có múi (cam, quýt, bưởi), rau quả màu vàng, đỏ như rau dền, cà chua, súp lơ, ớt chuông, đu đủ... giàu vitamin C, beta-carotene và các hợp chất flavonoid góp phần tăng cường sức đề kháng.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, trẻ 3-5 tuổi cần tiêu thụ hai đơn vị rau và hai đơn vị quả mỗi ngày (một đơn vị tương đương 80 g); trẻ 6-11 tuổi cần 2-3 đơn vị rau củ quả và 1,5-2,5 đơn vị quả, quả chín (một đơn vị tương đương 100 g); trẻ 12-14 tuổi cần 3-4 đơn vị rau xanh và ba đơn vị quả (một đơn vị tương đương 80 g).

Không dùng đồ tích trữ lâu trong tủ lạnh

Hầu hết gia đình thường mua và dự trữ rất nhiều thực phẩm để sử dụng trong dịp nghỉ lễ dài ngày. Tủ lạnh vẫn có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa như salmonella, listeria, escherichia coli... Nếu để lẫn lộn thực phẩm sống và chín, sử dụng đồ ăn hâm nóng nhiều lần có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Phụ huynh nên tránh cho con sử dụng đồ hộp, ưu tiên thực phẩm tươi sống, rau quả mới thu hoạch. Thực phẩm nên được sử dụng trong vòng hai giờ sau khi chế biến và bảo quản ở ngăn mát dưới 5 độ C.

Khi đi du du lịch ngày lễ, người lớn nên chuẩn bị sẵn đồ ăn cho bé như sữa, nước ép trái cây... để khi bé đói sẽ ăn vặt. Bé nên hạn chế ăn bim bim, khoai tây chiên, lạp xưởng, xúc xích chứa nhiều chất hóa học, chất bảo quản, phẩm màu, muối, đường...

Trẻ hạn chế uống nước ngọt có gas, nước tăng lực

Những loại thức uống này ít chất dinh dưỡng và không có chất xơ, chứa caffeine, có khả năng tăng co bóp đường tiêu hóa, tăng nhu động ruột, dẫn đến đi ngoài phân lỏng. Đồ uống có gas, nước tăng lực có thể gây mòn răng, ảnh hưởng vị giác.

Chất tạo ngọt trong một số loại nước ngọt, nước tăng lực không thể bị phá vỡ và chuyển hóa bởi vi khuẩn trong đường ruột. Chúng hấp thụ nước trong ruột hoặc được lên men bởi vi khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy.

Ăn đúng giờ, không bỏ bữa

Duy trì bữa ăn đúng giờ, đủ bữa giúp đảm bảo đồng hồ sinh học của cơ thể không bị đảo lộn, quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường. Trẻ thức khuya, ăn khuya, bỏ bữa sáng... đều có thể bị rối loạn tiêu hóa.

Dùng sữa chua để bổ sung lợi khuẩn

Rối loạn tiêu hóa xảy ra khi hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, dẫn tới loạn khuẩn. Sữa chua giàu men vi sinh (probiotic), khi nạp vào cơ thể sản sinh ra axit lactic và bifidobacteria, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh kích thích cơ thể trẻ tăng sản sinh kháng thể miễn dịch, chống lại các tác nhân gây hại.

Chuyên viên Lan lưu ý biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy. Sốt có thể khiến trẻ bị mất nước, cơ thể yếu ớt, ăn kém, dẫn đến suy dinh dưỡng.

Phụ huynh cho trẻ mắc bệnh uống nhiều nước (nước đun sôi, sữa, nước ép trái cây, nước Oresol pha đúng hướng dẫn...) để tránh mất nước, ăn nhiều bữa nhỏ. Nếu bé có các dấu hiệu mất nước như mắt trũng, khát, tay chân lạnh hoặc sốt cao, nôn ói, tiêu chảy nhiều cần đến viện ngay.

Trịnh Mai

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-27T02:08:25Z dg43tfdfdgfd