TRẻ HẹP BAO QUY đầU Bị BIếN CHứNG DO NắNG NóNG

Trời nắng nóng, vùng kín tiết nhiều mồ hôi khiến trẻ bị hẹp bao quy đầu dễ gặp biến chứng như viêm nhiễm, có thể lan đến đường tiết niệu.

Hẹp bao quy đầu là tình trạng thắt hẹp khiến đoạn cuối bao da quy đầu không thể kéo tuột hoàn toàn khỏi quy đầu. Cha mẹ thường không phát hiện hoặc hướng dẫn trẻ vệ sinh không đúng cách, gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, số lượng trẻ đến khám do các biến chứng hẹp bao quy đầu như viêm quy đầu, viêm nhiễm niệu đạo, viêm bàng quang... tăng 30% so với các tháng trước đó.

Ngày 18/5, thạc sĩ, bác sĩ Tạ Ngọc Thạch, khoa Tiết niệu - Nam học, cho biết nắng nóng khiến cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt nên cũng dễ bị mất nước kèm theo mất điện giải. Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém khiến các tác nhân virus, vi khuẩn dễ tấn công, tái phát bệnh tiết niệu, nhất là viêm bao quy đầu.

Những ngày nắng, bé đi bơi, tắm biển, tham gia trại hè, dễ lây nhiễm vi khuẩn, virus. Không uống đủ nước, vệ sinh cá nhân không đúng cách... cũng là nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm nhiễm, sưng phồng quy đầu. Nguy cơ biến chứng tăng lên vào mùa hè do trẻ thường xuyên hoạt động thể chất, cùng với thời tiết nắng nóng khiến vùng kín tiết nhiều mồ hôi. Môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.

Như bé Quang, 6 tuổi, ngụ Bắc Giang, bị sưng tấy dương vật. Sau đợt du lịch cùng gia đình, bé viêm da quy đầu, đi khám, bôi thuốc không bớt. Bác sĩ chẩn đoán bé bị dài và hẹp bao quy đầu gây viêm nhiễm nặng.

Tương tự, bé Duy, 10 tuổi, ngụ Ninh Bình, bị lún dương vật, đã điều trị nội khoa. Sau vài tuần học bơi, bé đi tiểu phải rặn, bao quy đầu sưng, nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều đợt. Nguyên nhân do không vệ sinh đúng cách.

Nhiều cha mẹ e ngại con bị đau nên thường chọn điều trị nội khoa khi xảy ra biến chứng. Theo bác sĩ Thạch, điều này khiến tái phát bệnh nhiều lần, nhất là vào mùa nắng nóng, ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động hàng ngày của trẻ. Hẹp bao quy đầu còn kìm hãm cơ quan sinh dục phát triển, có thể ngắn hơn, nhỏ hơn so với bình thường.

Tại Bệnh viện Tâm Anh, nhiều trường hợp được điều trị viêm nhiễm và cắt bao quy đầu bằng laser. Bác sĩ Thạch đánh giá đây là kỹ thuật tiên tiến, sử dụng nhiệt năng từ máy laser tác động trực tiếp lên bao quy đầu nhằm phá vỡ các liên kết tế bào da, từ đó tách bỏ phần da thừa ở đầu dương vật. Ánh sáng laser có thể cắt mô với độ chính xác cao, diệt khuẩn vùng bao quy đầu, giảm tối đa nguy cơ gây tổn thương mô xung quanh.

Bé Duy và bé Quang đều được bác sĩ cắt da bao quy đầu lộ chỏm và cầm máu bằng laser, thủ thuật trong khoảng 5 phút. Vết thương lành nhanh nhờ kiểm soát và cầm máu tại chỗ. Thời gian hồi phục ngắn, trẻ nhanh trở lại hoạt động thường ngày, tiểu tiện bình thường. So với các phương pháp truyền thống, dùng ánh sáng laser cắt bao quy đầu giúp người bệnh giảm sẹo, giảm nguy cơ biến chứng hậu phẫu.

Bác sĩ Thạch cho biết khoảng 90% trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý khi mới sinh. Tình trạng này có thể cải thiện khi trẻ khoảng một tuổi, hầu hết sẽ bình thường khi 4 tuổi. Trẻ lớn bị hẹp bao quy đầu thường do vệ sinh kém, nhiễm trùng, viêm hoặc sẹo xơ quy đầu...

Khi trẻ bị hẹp do bệnh lý hoặc gặp biến chứng do bệnh, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời. Cắt bao quy đầu sớm giúp trẻ giảm nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục. Nghỉ hè là thời điểm thích hợp để cha mẹ đưa trẻ đi cắt bao quy đầu, con được nghỉ ngơi, tránh các hoạt động mạnh, giảm nguy cơ biến chứng sau thủ thuật.

Nam giới hẹp bao quy đầu nên cắt bao để tránh biến chứng như viêm, nguy cơ xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, giảm chất lượng tình dục, dễ lây bệnh xã hội, tăng nguy cơ mắc ung thư dương vật.

Lục Bảo

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nam học tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-18T09:10:44Z dg43tfdfdgfd