TáI SINH PHôI đôNG LạNH 10 NăM GIúP NGườI PHụ Nữ Có CON

Phôi đông lạnh 10 năm trước được bác sĩ tái sinh, nuôi bằng công nghệ hiện đại rồi đưa vào tử cung mẹ giúp chị Hồng Anh có con ở tuổi 46.

Phôi này của vợ chồng chị Hồng Anh được tạo ra khi làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại một bệnh viện năm 2014. Chị có tổng cộng 6 phôi ngày 2 chất lượng khá nhưng chuyển phôi không thành công, nhiều lần hủy kế hoạch chuyển phôi do niêm mạc mỏng. Khi đó, chị đã 36 tuổi, vô sinh 6 năm mà không tìm được nguyên nhân. Trước đó, họ ba lần thụ tinh nhân tạo (IUI), một lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đều thất bại.

Tuổi ngày càng lớn, cơ thể bắt đầu lão hóa, cơ hội mang thai càng ít nhưng chị Hồng Anh quyết định tạm dừng điều trị IVF do kinh tế cạn kiệt. Các phôi còn lại được gia hạn trữ đông hàng năm, chờ thời điểm thích hợp để chuyển phôi.

42 tuổi, chị tới Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), bắt đầu lại hành trình "tìm con". Theo PGS Lê Hoàng, Giám đốc IVF Tâm Anh, với phụ nữ trên 40 tuổi, chất lượng nang noãn giảm, nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng phôi, tăng tỷ lệ dị tật thai nhi. Điều này còn khiến quá trình điều trị IVF kéo dài và tăng chi phí. Ngoài ra, mang thai khi lớn tuổi có thể ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ và bé.

Bác sĩ thống nhất với gia đình bệnh nhân tận dụng các phôi trữ đông trước đó để làm IVF nhằm rút ngắn thời gian quá trình điều trị, dù Tâm Anh hạn chế việc chuyển phôi ngoại viện do nhiều trở ngại về chi phí và tính khả thi. Phôi là giao tử giữa trứng và tinh trùng, dễ bị tác động bởi yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ảnh sáng, nồng độ và chất lượng không khí... Quá trình vận chuyển có thể khiến phôi phơi nhiễm với các yếu tố ngoại cảnh bất lợi, gây giảm chất lượng, kéo theo giảm tỷ lệ IVF thành công.

"Sau khi đánh giá, chúng tôi lên chi tiết kế hoạch đưa phôi về trung tâm, rã đông 5 phôi còn lại và tiếp tục nuôi lên ngày 3, ngày 5 để tăng cơ hội thành công", PGS Hoàng cho hay.

Phôi gồm nhiều tế bào, phát triển qua cơ chế phân chia. Phôi nuôi dài ngày, phân chia tế bào càng mạnh mẽ. Phôi ngày 2 chỉ có khoảng 4 tế bào, phôi ngày 5 có tới hàng trăm tế bào, sức sống tốt. Các phôi trước của chị Hồng Anh chỉ nuôi tới ngày 2, sức sống và tỷ lệ chuyển phôi thành công thấp nên quá trình chuyển phôi ngoại viện nhiều rủi ro hơn. Cơ sở y tế trữ đông phôi cũng phải đáp ứng các điều kiện khắt khe từ IVF Tâm Anh.

Để phôi không suy giảm chất lượng, IVF Tâm Anh sử dụng bình trữ đông chuyên dụng, dự trữ nitơ lỏng nhằm đảm bảo ổn định nhiệt độ trữ đông -196 độ C suốt quá trình vận chuyển. Ê kíp chuyên viên phôi học được bố trí để kiểm soát quá trình, đảm bảo an toàn cho đến khi phôi nằm trong labo.

Các phôi được rã đông bằng tủ chuyên dụng, ổn định ở mức nhiệt 37 độ C. Phôi sau rã đông được nuôi cấy bằng hệ thống tủ động học (Timelapse), tạo ra môi trường thuận lợi, cân bằng các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... để phôi phát triển. Camera trong mỗi tủ giúp các chuyên viên giám sát toàn bộ quá trình phôi phân chia, phát hiện bất thường nếu có. Phần mềm phân tích phôi áp dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ lựa chọn các phôi tốt nhất.

Kết quả, từ 5 phôi ngày 2 chất lượng khá nuôi được một phôi ngày 5 và hai phôi ngày 6, chất lượng tốt. Chị Hồng Anh được chuẩn bị niêm mạc thuận lợi, chuyển một phôi ngày 5 thành công ngay lần đầu. Chị mang song thai nhưng sinh non ở tuần 24, hai bé mất sau đó không lâu.

Vượt qua nỗi đau mất con, 3 năm sau, chị Hồng Anh quay lại IVF Tâm Anh tiếp tục chuyển phôi. Thời gian trữ đông phôi đã gần 10 năm, nhưng PGS Hoàng cho hay có thể sử dụng phôi ngày 6, do chất lượng tốt và điều kiện trữ - rã đảm bảo.

Tháng 8/2023, bác sĩ chuyển phôi sau rã đông, chị Hồng Anh đậu thai. Bé gái khỏe mạnh chào đời vào cuối tháng 4/2024 tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Chị Hồng Anh là trường hợp đầu tiên mang thai và sinh con thành công từ phôi trữ đông 10 năm tại IVF Tâm Anh. Theo PGS Hoàng, hiện chưa có nghiên cứu về thời gian tối đa trữ đông phôi. Thế giới từng ghi nhận kỷ lục cặp đôi song sinh tại Anh ra đời từ phôi trữ đông 30 năm.

Với công nghệ hiện đại, việc trữ - rã đông phôi hiệu quả, đảm bảo chất lượng, nhờ đó tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công. Điều này mang đến cơ hội cho nhiều gia đình hiếm muộn, đặc biệt là trường hợp lớn tuổi, suy buồng trứng, chỉ số dự trữ buồng trứng thấp tạo được ít phôi. Tại IVF Tâm Anh, phôi sau rã có tỷ lệ chuyển thành công trung bình 71,5%, và lên tới 80% ở các trường hợp dưới 28 tuổi.

Khuê Lâm

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-09T05:29:26Z dg43tfdfdgfd