TạI SAO Bố Mẹ CAO NHưNG CON THấP?

Bố cao 1,75 m, mẹ 1,62 m, nhưng bé trai nhà tôi 2 tuổi chỉ 83 cm, trung bình ở tuổi này trẻ cao 87,8 cm. Tại sao bố mẹ cao nhưng con thấp bé, có cách nào cải thiện? (Thu Hà, TP HCM)

Trả lời:

Theo một số nghiên cứu, chiều cao của trẻ 30% do di truyền, 70% phụ thuộc vào các yếu tố khác gồm chế độ dinh dưỡng, bệnh tật, môi trường sống, vận động... Do đó, con có thể không thừa hưởng chiều cao từ bố mẹ.

Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam khoảng 1,64 m ở nam, 1,53 m ở nữ, thấp hơn nhiều so với người Nhật, Hàn và châu Âu. Thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc gia cho thấy người Việt thấp nhất khu vực châu Á. Qua ba thập kỷ, người Việt có cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ tăng thêm một cm. Do đó, vấn đề cải thiện chiều cao cho trẻ cần được quan tâm.

Chiều cao mỗi người được hình thành từ khi là thai nhi cho đến 21 tuổi. Thường sau 18-20 tuổi, hầu như không cao thêm. Có ba giai đoạn nhảy vọt chiều cao là 1.000 ngày đầu đời (trong thai kỳ và giai đoạn 0-2 tuổi), tiền dậy thì và dậy thì.

Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời quyết định 60% chiều cao khi trưởng thành. Ở tuổi dậy thì, nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt có thể tăng vọt chiều cao thêm 10-12 cm một năm.

Mẹ bầu cần quan tâm đến chiều cao của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ bằng cách điều chỉnh ăn uống đủ chất. Nếu trong ba tháng cuối thai kỳ trẻ có cân nặng, chiều dài lý tưởng khi sinh ra sẽ thuận lợi cho việc phát triển chiều cao.

Trẻ sau khi chào đời cần được cung cấp đủ năng lượng để phát triển chiều cao. Cha mẹ nên theo sát biểu đồ chiều cao, cân nặng của Tổ chức Y tế Thế giới để phát hiện sự phát triển bất thường của trẻ. Nếu con chậm tăng trưởng chiều cao liên tục dưới 3 cm trong 6 tháng, ba mẹ cần cho bé đi khám chậm tăng trưởng chiều cao. Bác sĩ khám và thực hiện xét nghiệm phù hợp với từng bé, trong đó có các xét nghiệm liên quan đến nội tiết (nếu cần).

Nếu chiều cao bố mẹ bình thường, con bạn có cân nặng tốt nhưng chiều cao còn chưa đạt chuẩn, gia đình có thể cải thiện chiều cao trong tương lai cho trẻ. Con cần được cung cấp đầy đủ chất đạm, béo, vitamin, muối khoáng và chất xơ, nhất là các chất liên quan đến chiều cao (vitamin D, canxi, các khoáng chất như magie, vitamin B1...) trong bữa ăn hàng ngày.

Vận động, tập luyện thể thao cho trẻ ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 buổi trong tuần với các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi. Ưu tiên cho con tập luyện các môn thể thao tăng chiều cao hiệu quả như bơi lội, đạp xe, nhảy dây, ngủ đủ giấc, ngủ sớm trước 10h cũng giúp trẻ tăng chiều cao... Với trường hợp con bạn, gia đình nên cho bé đi khám để bác sĩ tìm nguyên nhân cụ thể, giúp bé đạt chiều cao tối đa.

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-07T05:02:42Z dg43tfdfdgfd