TắM đá LạNH BUổI SáNG - THử THáCH RèN SứC KHỏE

4 giây đầu khi đặt mình vào bồn nước đá lạnh, Tân, 32 tuổi, cảm giác như hàng ngàn mũi kim đâm, buốt tê tái lên đỉnh đầu.

Bắt đầu ngày mới, Tân, huấn luyện viên sức khỏe, ngâm mình trong nước đá 25 phút để rèn sức mạnh, sức bền. Để vượt qua cảm giác rét buốt ở những giây đầu tiên, anh động viên bản thân, dùng kỹ thuật thở nhằm khống chế và làm quen dần cái lạnh. Cuối cùng, sau 25 phút ngâm mình, người đàn ông cảm thấy sảng khoái, tràn đầy năng lượng.

"Khi bạn làm những thứ khó chịu nhất đầu tiên, thì mọi vấn đề trong ngày đều trở nên dễ chịu", anh nói và coi đây là bí quyết giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch, giảm stress.

Thanh Hằng, 31 tuổi, chuyên viên tư vấn bất động sản, ở Hà Nội, cũng áp dụng tắm nước đá lạnh buổi sáng để giải tỏa căng thẳng, tăng cảm xúc hứng khởi. Vài tháng gần đây, áp lực công việc của cô tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường bất động sản tích cực hơn.

Hằng thường xuyên đi sớm, về khuya, ăn ngủ thất thường, tâm trạng luôn cáu giận, bực bội. Được bạn bè giới thiệu phương pháp ngâm mình trong đá giúp giảm stress, Hằng áp dụng, mong muốn được "chữa lành", không rơi vào trầm cảm.

Được huấn luyện viên hướng dẫn, người phụ nữ giảm dần nhiệt độ, đồng thời ngâm mình từ phần chân, sau đó đến toàn thân. Ngoài ra, cô học các kỹ thuật thở để tăng khả năng chịu đựng, ví dụ hít vào trong 7 giây, nhịn thở trong 2 giây, rồi từ từ thở ra trong 7 giây, để cung cấp nhiều oxy cho cơ thể. Với Hằng, chỉ cần vượt qua 4 giây đầu tiên, cô có thể chịu đựng thử thách trong 15 phút còn lại.

"Vượt qua cảm giác giá buốt, bạn sẽ nhận thấy cơ thể vô cùng tỉnh táo, tràn đầy hứng khởi, làm việc tập trung và rất hiệu quả", Hằng nói, hôm 22/4.

Tìm kiếm từ khóa "tắm đá lạnh" trên TikTok, rất nhiều video hiện ra hướng dẫn cách tắm nước đá để giải tỏa căng thẳng. Nhiều người giới thiệu đây là liệu pháp làm lạnh phổ biến với vô vàn lợi ích, trong đó nổi bật là cải thiện tâm trạng, giảm stress.

Trong cuốn sách mới nhất của mình có tên "Phương pháp Wim Hof: Khai mở tiềm năng, vượt qua giới hạn", Wim Hof, 61 tuổi, được mệnh danh là Người Băng, cho rằng ai cũng có thể trở nên mạnh hơn, khỏe hơn và hạnh phúc hơn nhờ cái lạnh, thở đúng cách và tư duy. Qua đó, họ có thể kiểm soát sức mạnh của tâm trí để vượt qua những thách thức trong cuộc sống, theo Telegraph. Bắt đầu ngày mới với 30 giây tắm nước lạnh có thể giúp kích thích tuần hoàn máu, cải thiện hệ miễn dịch và thậm chí giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.

Tắm nước đá là một cách phát triển trí lực và sức bền hiệu quả, bởi người tham gia thử thách cần có ý chí mạnh mẽ và sự tập trung để chống chọi cái lạnh. Bên cạnh đó, cách này giúp cơ thể sản sinh ra các chất cải thiện tâm trạng, điều chỉnh lượng hormone căng thẳng (cortisol), nhờ đó, người tắm sẽ vượt qua áp lực và trở nên kiên cường hơn.

Mặt khác, việc tắm nước lạnh (nước có nhiệt độ dưới 20 độ C) sẽ gây ra phản ứng chênh lệch nhiệt độ, từ đó giúp não bộ tiết endorphin - một hormone giúp cải thiện tâm trạng, giảm stress; cùng với đó, cơ thể tăng cường tuần hoàn máu để cân bằng nhiệt độ, điều này giúp bạn tỉnh táo, tràn đầy hứng khởi cho ngày mới.

Việc tắm nước lạnh thường xuyên (2-3 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 5 phút) cũng có lợi trong việc tăng lượng mỡ nâu (loại mỡ giúp tăng quá trình trao đổi chất), cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, từ đó giúp tăng tốc độ giảm cân, tăng tốc độ phục hồi sau tập luyện, tăng sức đề kháng. Ngâm mặt nước lạnh mỗi ngày còn giúp kích thích sản sinh collagen, giúp da săn chắc và giảm quá trình lão hóa.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết tắm nước đá lạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu thực hiện sai cách. Thực tế, nhiệt độ của nước đá thấp hơn nhiều so với nhiệt độ cơ thể, khi tắm quá mức có nguy cơ bị cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, viêm mũi dị ứng. Hơn thế, nếu cơ thể đang ở trạng thái mệt mỏi, vừa vận động mạnh hay đang ốm, sốt, việc "hứng" một chậu nước đá lạnh buốt sẽ khiến nhiệt độ cơ thể hạ thấp quá mức, khiến tình trạng người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Do đó, với người mới bắt đầu, không nên thực hiện đột ngột mà cần có sự thay đổi từ từ. Bạn có thể tắm tắm nước ấm trước, sau đó bắt đầu chỉnh sang nước mát (nước thông thường không pha nước nóng), tắm thêm khoảng 2-5 phút (tùy khả năng). Hoặc bạn tắm nóng xen kẽ tắm lạnh, mỗi chế độ khoảng một phút. Kiểu tắm này phù hợp sau những buổi tập thể dục thể thao nặng, giúp giãn cơ rất tốt.

Người thực hiện có thể thêm một số thói quen sau để giúp tối ưu lợi ích hơn trong lúc tắm, bao gồm dùng bông tắm xơ mướp mềm chà khô toàn bộ làn da. Cách này vừa giúp làm sạch tế bào chết, vừa giúp tăng cường hoạt động của hệ bạch huyết, hệ tuần hoàn, giúp khí huyết lưu thông. Hoặc bạn dùng bàn tay vỗ nhẹ toàn bộ cơ thể (lực tay làm da hơi rát rát nhẹ) giúp tăng cường hoạt động bạch huyết và tuần hoàn, giúp tăng cường năng lượng. Việc dùng các đầu ngón tay massage da đầu, dùng tay nắm kéo nhẹ tóc cho căng nhẹ chân tóc là một thói quen tốt.

Sau một thời gian, bạn có thể chuyển sang chế độ tắm nước mát hẳn (nước không pha nước nóng), cuối cùng mới tiến hành thử thách tắm nước lạnh/nước đá 2-3 lần mỗi tuần, mỗi lần 5-25 phút.

Khi thực hành, lưu ý hít thở sâu, tập trung vào hơi thở để vượt qua cảm giác buốt lạnh. Để hạn chế nguy cơ, bác sĩ lưu ý không nên dội thẳng nước vào đầu, thay vào đó, tắm từ thấp lên cao, rửa tay chân, mặt và tắm từ phần cổ trở xuống trước, để cơ thể làm quen với nhiệt độ (khoảng 1,2 phút), sau đó mới tắm đầu. Một số nhóm người có miễn dịch kém, phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy, người mắc bệnh huyết áp, tiểu đường, tim mạch... không phù hợp để thử phương pháp tắm nước lạnh.

Thúy Quỳnh

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-24T08:27:47Z dg43tfdfdgfd