VACCINE NàO GIúP BảO Vệ SứC KHỏE, TăNG đề KHáNG MùA THI?

Các vaccine phòng cúm, phế cầu, thủy đậu… phối hợp cùng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, giúp học sinh khỏe mạnh và hoàn thành kỳ thi.

BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, các kỳ thi cuối năm học là thời điểm quan trọng trong quá trình học tập của trẻ, thường diễn ra vào mùa hè. Đây cũng là giai đoạn trẻ dễ mất sức và mắc bệnh do ôn tập căn thẳng, chế độ ăn và nghỉ ngơi không đảm bảo. Thời tiết nóng bức, khó chịu, gây mất nước và ảnh hưởng miễn dịch của trẻ.

Để có sức khỏe tốt, bác sĩ Phương khuyến cáo gia đình giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, có chiến lược ôn tập tốt, đồng thời phòng một số bệnh truyền nhiễm trong mùa hè bằng cách tiêm chủng 5 loại vaccine dưới đây, kết hợp dinh dưỡng, nghỉ ngơi, giữ vệ sinh sạch.

Vaccine cúm

Cúm dễ mắc, lây nhanh qua đường hô hấp. Vào mùa hè, học sinh vẫn có thể mắc cúm do thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà ra ngoài trời nắng và ngược lại, khiến cơ thể chưa kịp thích nghi, mầm bệnh nhân cơ hội xâm nhập. Trẻ béo phì hoặc mắc bệnh nền mạn tính có nguy mắc cúm và trở nặng cao hơn.

Cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày tuy nhiên vẫn ảnh hưởng tới tiến độ học tập, ôn thi của trẻ. Bệnh có thể phòng ngừa nhờ vaccine, hiệu quả đến 90%, giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong, 74% nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt.

Vaccine phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn dễ lây qua đường hô hấp, thường gây viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa và nhiễm khuẩn huyết. Vi khuẩn này kháng nhiều loại kháng sinh nên chi phí điều trị tốn kém, khó khăn. Chúng có thể cư trú ở vùng mũi họng của trẻ khỏe mạnh bình thường, xâm nhập khi hệ miễn dịch yếu đi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ di chứng và tử vong do phế cầu khuẩn từ 10-20%. Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng đến 50% ở nhóm người nguy cơ cao như trẻ em.

Vaccine là biện pháp hiệu quả nhất, giúp chống lại những chủng phổ biến gây nhiều bệnh lý phế cầu nặng ở trẻ em. Trẻ từ 2 tuổi cần tiêm vaccine phế cầu Prevenar 13, hiệu quả đến 97%.

Vaccine ho gà - bạch hầu - uốn ván

Nhóm 7-18 tuổi thường thiếu mũi tiêm nhắc, do đó miễn dịch phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván suy giảm.

Trong khi đó, trẻ sinh hoạt trong môi trường đông đúc, gặp gỡ nhiều người, vận động nhiều, nguy cơ chấn thương, nhiễm bệnh cao. Nếu không được chăm sóc đúng cách, vết thương có thể trở thành cửa ngõ cho vi khuẩn uốn ván phát triển gây co cứng cơ kèm đau, co giật toàn thân, tổn thương hệ thần kinh, có thể dẫn đến tử vong. Còn bệnh ho gà xuất hiện rải rác tại Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2024 nhiều tỉnh thành đã ghi nhận số ca bệnh tăng so với cùng kỳ 2023, đối tượng mắc là trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.

Hiện bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine phối hợp 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt (Tetraxim) cho trẻ từ 12 tháng đến 13 tuổi; hoặc loại phối hợp 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (Boostrix, Adacel) cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Gia đình lưu ý cho con tiêm nhắc đủ mũi, đúng lịch vào mốc 4-7 tuổi, 9-15 tuổi.

Vaccine thủy đậu

Thời gian đầu hè, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus thủy đậu phát tán và lây lan. Virus lây truyền qua đường hô hấp; giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh; thậm chí trẻ có thể bị lây khi tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi... nhiễm virus. Bệnh rất dễ lây ở những nơi đông đúc như trường mẫu giáo, trường học, ví dụ tháng 4/2024, tỉnh Hải Dương liên tiếp ghi nhận các ổ dịch thủy đậu ở trường học.

Theo Bộ Y tế, bệnh thủy đậu có thể tạo thành sẹo ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Ở trường hợp nặng, bệnh gây nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm màng não...

Hiện không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu, song đã có vaccine giúp phòng bệnh, giảm tỷ lệ trở nặng. Trẻ học đường nên hoàn thành phác đồ 2 mũi cách nhau 1-3 tháng để có miễn dịch với bệnh.

Vaccine sởi - quai bị - rubella

Tương tự các bệnh nói trên, sởi, quai bị và rubella cũng là các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, cần phòng ngừa ở trẻ em. Sởi gây sốt, ho, đỏ mắt, thường phát ban, có thể dẫn đến co giật, nhiễm trùng tai, tiêu chảy và viêm phổi. Còn quai bị khiến tuyến nước bọt dưới tai sưng, sốt, nhức đầu, đau cơ; có thể biến chứng điếc, sưng các cơ quan não, tinh hoàn và buồng trứng. Rubella có thể biến chứng viêm khớp ở tuổi dậy thì.

Vaccine sởi - quai bị - rubella thường được tiêm theo hai phác đồ, gồm: mũi một khi trẻ được 9 hoặc 12 tháng; mũi hai cách mũi một ba tháng hoặc khi trẻ 4-6 tuổi. Với trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn, lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau một tháng.

Vì vậy, phụ huynh cần rà soát lịch trẻ chưa được chủng ngừa hoặc chưa được tiêm mũi thứ 2 thì cần tiêm càng sớm càng tốt để đảm bảo miễn dịch phòng cả 3 bệnh.

Cùng với các loại vaccine nói trên, trẻ cần chủng ngừa thêm một số loại vaccine quan trọng khác như: viêm gan A-B, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, thương hàn, tả...

Mộc Thảo

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-09T10:15:22Z dg43tfdfdgfd