Vợ CHồNG CHUNG THủY SAO VẫN MắC GIANG MAI?

Chúng tôi chung thủy một vợ một chồng, cũng không thấy triệu chứng đặc biệt nào, tại sao khi khám sức khỏe lại phát hiện mắc giang mai giai đoạn 2? (Nguyễn Giang, 32 tuổi, TP HCM)

Trả lời:

Giang mai là bệnh truyền nhiễm thường gặp, do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ mắc giang mai khoảng 2-5% tổng số các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh giang mai gây thương tổn ở da - niêm mạc và có thể ảnh hưởng nặng nề đến thần kinh, tim mạch, cơ xương khớp.

Giống như các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) khác, giang mai có thể lây truyền trong bất kỳ hành vi tình dục nào (quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn, miệng, tay...). Tình dục không an toàn là con đường chính truyền nhiễm bệnh từ người này sang người khác. Trong quá trình quan hệ, xoắn khuẩn từ dịch tiết hoặc sang thương của người bệnh xâm nhập sang người lành nếu người lành có vết thương, trầy xước ở vùng quan hệ. Ngoài ra, bệnh lây truyền trực tiếp qua đường máu như dùng chung dụng cụ tiêm chích hoặc thực hiện truyền máu không an toàn; lây từ mẹ sang con.

Giang mai cũng lây gián tiếp khi da/niêm mạc có vết thương hở tiếp xúc với dịch tiết (nước bọt, máu, mủ) của người bệnh như hôn; dùng chung dụng cụ làm móng, dao cạo lông, dụng cụ nặn mụn, giác hơi, dụng cụ y tế không được sát khuẩn... Các hoạt động cắt tóc, cạo râu, xăm mình, xăm lông mày, xăm môi, xỏ khuyên, cạo lông mặt, nặn mụn, lấy khóe móng, cắt bao quy đầu, thẩm mỹ vùng kín... ở cơ sở không an toàn cũng có nguy cơ lây bệnh.

Các triệu chứng của giang mai khác nhau ở từng giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn một, triệu chứng nổi bật nhất là săng - vết trợt nông hình tròn hoặc bầu dục, bề mặt bằng phẳng, màu đỏ như thịt tươi, không ngứa, không đau, không có mủ. Săng thường chỉ có một vài nốt đơn độc, xuất hiện ngay tại nơi xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể, khoảng 3-4 tuần sau lây nhiễm. Chúng xuất hiện vài ngày rồi tự biến mất mà không cần điều trị. Ở thời kỳ này, người bệnh có thể bị nổi hạch ở gần vị trí nổi săng, nhưng không đau, tự khỏi sau 6-8 tuần.

Ở giai đoạn 2, triệu chứng bệnh đặc trưng là nổi hồng ban nhạt như màu hoa đào, hồng ban sẩn vảy ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng không đau hay ngứa. Ban đào tồn tại một thời gian cũng mất đi dù không cần điều trị. Người bệnh có thể xuất hiện vết loét không đau ở niêm mạc miệng, bộ phận sinh dục; rụng tóc, sốt, đau họng, nhức mỏi toàn thân...

Một số trường hợp, bệnh giang mai diễn tiến âm thầm, các triệu chứng ít xuất hiện hoặc mờ nhạt, chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nên nhiều người không để ý đến các dấu hiệu này hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác như dị ứng, côn trùng đốt, viêm da.

Vợ chồng bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu hoặc sản phụ khoa, nam khoa để được thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị bệnh phù hợp.

TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích

Phụ trách chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-07T11:13:45Z dg43tfdfdgfd