WHO Sơ TUYểN VACCINE Tả MớI

Tổ chức Y tế Thế giới WHO sơ tuyển vaccine tả Euvichol-S vào ngày 19/4, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine.

Theo WHO, vaccine mới sử dụng qua đường uống, hiệu quả tương tự các loại hiện hành song có công thức đơn giản hơn. Đây là loại thứ ba về bệnh tả được đưa vào danh sách sơ tuyển, trước đó là Euvichol và Euvichol-Plus.

Cơ quan này kỳ vọng vaccine mới sẽ giúp tăng năng lực sản xuất, từ đó hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh và khắc phục tình trạng cạn kiệt vaccine tả trên toàn cầu kéo dài từ tháng 10/2022. Hiện kho dự trữ toàn cầu đã có khoảng 2,3 triệu liều, ước tính sẽ có tổng cộng 50 triệu liều trong năm 2024.

Sơ tuyển tức là vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về chất lượng, an toàn, hiệu quả. Dựa trên danh sách sơ tuyển của WHO, các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc như Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (Gavi), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) có thể mua để cung ứng cho nhiều quốc gia.

Số ca bệnh tả gia tăng trên toàn cầu kể từ tháng 1/2023 với hơn 824.000 ca nhiễm, 5.900 người tử vong. Trung Đông và châu Phi có số bệnh nhân tả cao nhất. WHO lý giải nguyên nhân bùng phát dịch bệnh là nhiệt độ toàn cầu tăng lên khiến vi khuẩn gây bệnh sống lâu hơn, đồng thời ghi nhận tỷ lệ tử vong do tả ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ.

Tháng 1/2024, các quốc gia có dịch bệnh bùng phát đã yêu cầu khoảng 79 triệu liều vaccine, tuy nhiên kho dự trữ tiếp tục cạn kiệt. Thế giới từng có hai nhà sản xuất vaccine tả gồm Shantha Biotechnics (Ấn Độ) và EuBiologics (Hàn Quốc), song Shantha Biotechnics dừng sản xuất vaccine tả từ cuối năm 2022, khiến toàn cầu chỉ còn một nhà cung cấp, dẫn đến cung không đủ cầu.

Hiện Việt Nam sử dụng vaccine ngừa tả mORCVAX, hiệu quả phòng bệnh cao, được nghiên cứu và sản xuất trong nước. Vaccine sử dụng đường uống cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn, gồm 2 liều uống cách nhau 14 ngày, nhắc lại sau 2 năm hoặc trước các mùa dịch.

Phân tích thêm về bệnh tả, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra. Vi khuẩn lây nhiễm vào cơ thể thông qua nước uống, thức ăn bị ô nhiễm, gây ra các triệu chứng như đầy bụng, sôi bụng, tiêu chảy kèm nôn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây rối loạn điện giải, mất nước, sốc nặng dẫn đến tử vong.

Nguồn lây bệnh tả có thể từ người mắc, người lành mang vi khuẩn hoặc ổ chứa tự nhiên trong cá, cua... Trong đó, người mang vi khuẩn tả có thể không biểu hiện triệu chứng, đồng thời là nguồn lây bệnh khó kiểm soát. Cục Y tế dự phòng dẫn thông tin từ WHO, cho biết khoảng 75% nhóm không triệu chứng đào thải vi khuẩn ra môi trường trong vòng 7-14 ngày. Sau vụ dịch tả, khoảng 3-5% bệnh nhân có khả năng mang vi khuẩn kéo dài một vài tháng, đôi khi kéo dài hàng năm nếu không được điều trị đúng.

Do đó, bác sĩ Chính đánh giá vaccine rất quan trọng trong việc phòng, chống bệnh. Việc có thêm mũi ngừa tả đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh bệnh bùng phát trên toàn cầu, nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều quốc gia thiếu công cụ kiểm soát bệnh tật.

Chi Lê (Theo WHO, AP)

VNVC hiện có hơn 170 trung tâm trên toàn quốc, đầy đủ hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và người lớn, bao gồm vaccine ngừa tả. Khách hàng tiêm chủng tại VNVC hoặc người dân có thể tra cứu lịch sử tiêm chủng, tìm hiểu các loại vaccine phù hợp và nhiều thông tin quan trọng về tiêm chủng vaccine qua Mobile App "VNVC - Trợ lý tiêm chủng" để có được các thông tin khoa học, đầy đủ, không bỏ lỡ lịch tiêm và nhận được nhiều ưu đãi.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-19T09:14:49Z dg43tfdfdgfd