ĐI LạI BìNH THườNG SAU 40 NăM KHậP KHIễNG NHờ THAY KHớP HáNG

Ông Đông, 52 tuổi, bị viêm dính khớp háng từ bé, nặng dần, hai chân chênh 4 cm khập khiễng, nay được thay khớp háng nhân tạo đi lại bình thường.

"Nếu biết mổ đơn giản, phục hồi nhanh, tôi đã mổ từ 10 năm trước", ông Đông nói hôm 24/4 khi xuất viện.

Ông Đông bị viêm dính khớp háng từ lúc 9 tuổi đến nay, đau và cứng khớp, không thể chạy nhảy, làm việc nặng. Ông điều trị bằng nhiều loại thuốc nhưng chỉ giảm đau, khớp háng bên phải ngày càng cứng, viêm dính phát triển, gây thoái hóa biến dạng ổ cối và chỏm xương đùi, xẹp chỏm xương đùi, hẹp khe khớp nên chân phải càng ngắn đi.

Tại khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, kết quả chụp MRI cho thấy hai chân của ông Đông chênh nhau gần 4 cm, thoái hóa khớp háng phải mức độ nặng do viêm dính kéo dài nhiều năm. Khung chậu nghiêng hẳn sang một bên, vẹo cột sống, teo cơ, đau lưng, đau đầu gối.

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, chỉ định thay khớp háng nhân tạo bên phải cho người bệnh bằng đường mổ SuperPATH. Đây là kỹ thuật thay khớp háng ít xâm lấn, bảo tồn các phần mềm như mô, cơ, bao khớp...

Trước khi mổ, bác sĩ sử dụng phần mềm TraumaCad chuyên dụng để đo đạc và tìm ra loại khớp nhân tạo có kích thước, hình dạng phù hợp với cơ thể người bệnh. Nhờ đó, ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, chiều dài hai chân được cân bằng lại, giải quyết tình trạng đi khập khiễng. Sau phẫu thuật khoảng 6-12 tiếng, người bệnh có thể bắt đầu tập phục hồi chức năng, nhanh hơn rất nhiều so với các phương pháp mổ truyền thống.

Theo bác sĩ Học, người bệnh thay khớp háng, nhất là trường hợp biến dạng dáng đi như ông Đông, tập phục hồi chức năng rất quan trọng. Tập luyện giúp khôi phục dần dáng đi, cải thiện sức cơ dạng, giảm nguy cơ trật khớp sau phẫu thuật, tăng biên độ vận động của khớp... Người bệnh thực hiện được các động tác khó như lên xuống cầu thang, ngồi xổm, chơi thể thao. Tập luyện chức năng sớm giúp tránh được nguy cơ huyết khối, thuyên tắc phổi và các biến chứng do bất động lâu ngày gây ra.

Ngày thứ ba sau phẫu thuật, ông Đông không còn đau, đi lại nhẹ nhàng, cảm nhận hai chân dài bằng nhau, chuẩn bị xuất viện.

Bác sĩ Học cho biết khi điều trị bất kỳ bệnh lý nào, ưu tiên hàng đầu luôn là bảo tồn những bộ phận cơ thể tự nhiên của người bệnh. Khi cần thiết, bác sĩ mới chỉ định phẫu thuật.

"Thay khớp háng là ca phẫu thuật lớn", bác sĩ Học nói, thêm rằng nhờ công nghệ y học hiện đại, đường mổ nhỏ, người bệnh sau mổ ít đau, ít mất máu và có thể nhanh chóng đi lại. Sử dụng khớp háng nhân tạo giúp giải quyết các triệu chứng bệnh, tránh ảnh hưởng các cơ quan khác của cơ thể, nhất là cột sống và khớp gối, từ đó cải thiện chất lượng sống của người bệnh.

Phi Hồng

* Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-25T02:15:43Z dg43tfdfdgfd