ĐầU BúT SáP MàU KẹT TRONG MũI Bé TRAI

Bé Mạnh, 4 tuổi, đau mũi trái, khó ngủ, kết quả nội soi phát hiện đầu bút sáp màu hình lục giác nằm sâu trong mũi trái.

Ngày 4/5, thạc sĩ, bác sĩ CKI Nguyễn Minh Tú, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đoán có thể bé nhét bút sáp vào mũi, đầu bút bị gãy nên kẹt lại.

Bác sĩ dùng đèn Clar quan sát, sử dụng móc tròn lấy đầu bút sáp màu ra khỏi mũi bé, trong khoảng 10 phút. Mũi bệnh nhi có chảy một ít máu do đầu bút sáp hình lục giác cọ vào niêm mạc mũi gây tổn thương.

Trẻ 9 tháng đến 7 tuổi bản tính tò mò, thích khám phá nên thường nhét dị vật vào trong mũi, thường gặp là cục tẩy, đầu bút chì, đầu bút sáp màu, các mảnh đồ chơi, viên bi, hạt đậu, pin điện tử, cúc áo, hạt, thậm chí cả vật còn sống như côn trùng. Phần lớn trường hợp chỉ được phát hiện khi trẻ đau, phụ huynh đưa con đến bệnh viện, như trường hợp bé Mạnh.

Tai nạn này thường không gây những phản ứng ngay. Dấu hiệu nhận biết như trẻ ngứa và quẹt ngoáy mũi, khó chịu, chảy nước mũi hoặc máu mũi.

Theo bác sĩ Tú, mức độ nguy hiểm của dị vật phụ thuộc vào kích thước, chất liệu, dạng dị vật và cách xử lý. Dị vật nhỏ, bề mặt trơn nhẵn không gây kích ứng, viêm nhiễm ngay. Những dị vật sắc nhọn dễ làm xước, tổn thương niêm mạc mũi, dẫn đến nhiễm trùng, nguy cơ gây các bệnh tai mũi họng sau này.

Dị vật như đồ điện tử có thể bị oxy hóa như pin đồng hồ, nếu nằm lâu trong cơ thể dẫn đến viêm nhiễm nặng. Dị vật từ mũi có thể rơi xuống khoang miệng, theo đường di chuyển của thức ăn gây hóc ở các vị trí thuộc đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Nó có thể rơi xuống phổi làm bít tắc đường thở, ảnh hưởng tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khi phát hiện trẻ nhét dị vật vào mũi, phụ huynh cần bình tĩnh đưa trẻ đến viện, không cố gắng lấy ra ngoài trừ khi nó nằm ngay trên bề mặt và rất dễ lấy. Trường hợp dị vật nhỏ và nằm ở ngoài, hãy bịt bên mũi không có dị vật và hướng dẫn trẻ xì mũi mạnh. Nếu làm cách này không đẩy được dị vật ra ngoài, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Không để trẻ ngoáy mũi, không tự sử dụng kẹp, nhíp để cố lấy dị vật dễ đẩy chúng vào sâu trong mũi, dẫn đến tổn thương sống mũi, cuốn mũi, khó điều trị về sau. Không cho con chơi đồ vật nhỏ, luôn để mắt đến bé để phòng nguy cơ hóc hoặc mắc dị vật mũi, miệng.

Uyên Trinh

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-04T01:05:58Z dg43tfdfdgfd