ĐặT LướI CHữA SA BàNG QUANG

Khối bàng quang tụt xuống âm đạo khiến bà Chi, 80 tuổi, tiểu không hết, được bác sĩ đặt lưới nâng điều trị.

Bà Chi, ngụ Đồng Nai, đi tiểu khó suốt năm qua do có khối vật cản trong âm đạo, phải dùng tay ấn khối này vào trong mới tiểu hết được. Bà đến nhiều bệnh viện khám nhưng lớn tuổi nên không phẫu thuật, đặt vòng nâng âm đạo pessary không hiệu quả.

Ngày 25/4, tiến sĩ bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng Đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Chi bị sa bàng quang độ 3-4. "Khối vật cản" mà bà cảm nhận được khi đi tiểu chính là bàng quang bị sa xuống thấp.

Sa bàng quang hay sa tử cung cùng được xếp vào bệnh sa tạng vùng chậu. Đây là tình trạng các cơ quan tại vùng chậu (buồng trứng, tử cung, bàng quang, trực tràng, thành trước và thành sau âm đạo) tụt khỏi vị trí ban đầu do các nhóm cơ, dây chằng vùng chậu suy yếu, giảm khả năng nâng đỡ các cơ quan. Trong đó, sa bàng quang là tình trạng phần dưới của bàng quang tụt xuống âm đạo và lộ ra ngoài.

Theo bác sĩ Liên, bà Chi sa bàng quang mức độ nặng nhất, sa hoàn toàn. Nếu không điều trị, khối sa có thể bị viêm, khiến người bệnh bí tiểu. Nghiêm trọng hơn, khối sa có thể kéo niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) xuống và gây hẹp, dẫn đến thận ứ nước, nguy cơ suy giảm chức năng thận.

Bác sĩ Liên chỉ định đặt lưới nâng khối sa cho người bệnh. Đây là giải pháp ít xâm lấn, hiệu quả cao, phù hợp với phụ nữ lớn tuổi như bà Chi. Bác sĩ rạch thành trước âm đạo, tạo hai lỗ ở hai bên thành bàng quang, xuyên qua đó bịt hai bên âm đạo để đặt tấm lưới 4 nhánh, nâng và cố định bàng quang về vị trí ban đầu. Một ngày sau phẫu thuật, bà Chi không đau, ăn uống bình thường, được xuất viện.

Theo nghiên cứu của Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ, thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, khoảng 32,9-34,3% phụ nữ trên thế giới bị sa bàng quang. Tại Đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, trung bình mỗi tháng bác sĩ khám và điều trị cho khoảng 60 phụ nữ gặp tình trạng này.

Bác sĩ Liên cho biết so với các nước phát triển, phụ nữ Việt Nam dễ bị sa bàng quang nói riêng và sa tạng chậu nói chung. Một trong những nguyên nhân là do chưa chú trọng luyện tập sàn chậu sau sinh.

Sa bàng quang rất phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi do các cơ, dây chằng sàn chậu lão hóa, không còn khả năng nâng đỡ các cơ quan nằm ở vùng chậu. Ngoài ra, phụ nữ trải qua nhiều lần mang thai và sinh em bé, phụ nữ có tiền sử sinh khó, béo phì, táo bón, ho dai dẳng lâu ngày cũng thường bị sa bàng quang do cơ sàn chậu phải chịu áp lực lớn trong thời gian dài, dần suy yếu. Phụ nữ có người thân bị sa bàng quang cũng thuộc nhóm có nguy cơ mắc sau này.

Người bệnh có thể tự cảm nhận được khối bàng quang sa bằng tay hoặc khi đi lại, nhất là khi sa mức độ nặng, như bà Chi. Bên cạnh đó, có thể gặp các biểu hiện như đau nhức, khó tiểu, bí tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu són, cảm giác tiểu không hết, nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần, nhưng triệu chứng khác nhau ở mỗi người.

Phương pháp điều trị phụ thuộc độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Với phụ nữ lớn tuổi, đặt lưới nâng bàng quang là giải pháp phổ biến. Người bệnh quá lớn tuổi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật Lefort khâu bít hoàn toàn âm đạo.

Phụ nữ trẻ tuổi, sức khỏe tốt hơn, có nhu cầu sinh thêm con, nếu sa bàng quang mức độ nhẹ, thường bác sĩ khuyến khích thường xuyên tập sàn chậu (Kegel) để gia tăng sức mạnh cơ, dây chằng vùng chậu. Nếu phương pháp trên không hiệu quả hoặc mức độ sa nặng hơn, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi khâu treo cố định bàng quang.

Phòng ngừa bằng cách tập sàn chậu thường xuyên, nhất là trong giai đoạn sau sinh con. Tránh các vấn đề sức khỏe gây tăng áp lực ổ bụng trong thời gian dài như ho hay táo bón. Kiểm soát trọng lượng cơ thể.

Sa bàng quang có thể dẫn đến biến chứng viêm loét, bí tiểu, suy thận... Bác sĩ Phúc Liên khuyến cáo phụ nữ đang gặp vấn đề này cần đến bệnh viện để khám và điều trị phù hợp.

Thắng Vũ

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-25T03:30:45Z dg43tfdfdgfd