Nụ CườI KHôNG TắT ở đấT NướC HìNH GIọT Lệ SRI LANKA

Sri Lanka được thế giới nhắc đến với nhiều cái tên mỹ miều, phổ biến là tên 'Giọt lệ Tích Lan' bởi dáng hình của quốc gia này trên bản đồ thế giới tựa như giọt nước mắt.

Sri Lanka được thế giới nhắc đến với nhiều cái tên mỹ miều, phổ biến là tên "Giọt lệ Tích Lan" bởi dáng hình của quốc gia này trên bản đồ thế giới tựa như giọt nước mắt.

Tên gọi nghe thật buồn nhưng nụ cười và sự nồng nhiệt, tốt bụng chưa bao giờ tắt trên gương mặt và trong trái tim người Sri Lanka.

Sau nhiều năm với nhiều lần bỏ lỡ, cuối cùng tôi cũng quyết định một lần đến Sri Lanka vào cuối năm 2023, thời điểm mà theo nhiều người là không hề lý tưởng cho khách đến viếng thăm do khủng hoảng kép từ chính trị đến kinh tế ở đây.

Sân bay quốc tế Bandaranaike ở thủ đô Colombo chào đón tôi bằng những quầy bán tour, cho thuê xe nằm dọc lối ra. Dù giữa khuya nhưng trước sự thân thiện niềm nở của một nhân viên luống tuổi, tôi dừng lại để nghe thông tin về đất nước mà trước đó tôi không có chút khái niệm nào.

Người nhân viên mở bản đồ, giới thiệu với tôi các thắng cảnh Sri Lanka bằng thứ tiếng Anh chuyên nghiệp và lưu loát. "Yên tâm rồi, mình sẽ không chật vật với rào cản ngôn ngữ ở đây", tôi thầm nghĩ.

Hệ thống và chương trình giáo dục ở Sri Lanka cũng theo hệ thống Anh từ đó đến nay.

Đảo quốc Sri Lanka khá nhỏ (hơn 66.000km2 - bằng 1/5 diện tích Việt Nam) được "phủ sóng" giao thông đa dạng dày đặc từ xe lửa, xe buýt, taxi, xe máy, tuk tuk…

Với thói quen đi chậm tôi chọn đi bằng xe lửa và buýt. Xe buýt ở Sri Lanka dễ đón và rất rẻ nhưng nóng, chen chúc và ồn vì các bác tài thích mở nhạc xập xình.

Sau vài lần trải nghiệm xe buýt thì tôi nghiệm ra đi xe lửa là "chân ái". Vé xe lửa rất dễ mua, luôn có sẵn. Tôi thường chọn vé xe hạng hai để được mở cửa sổ nhìn ngắm làng mạc, núi non và những bãi biển xanh với bờ cát trắng mịn chạy dài rồi khuất sau những rặng dừa.

Chỉ có vé tuyến xe lửa từ Kandy đến cao nguyên trà Ella (được bình chọn là cung đường sắt đẹp nhất thế giới) là phải mua qua đại lý du lịch do vé đã bị "thâu tóm" trước cả năm.

Vì không muốn mua vé đã bị làm giá, tôi đã chọn đi vé hạng chót với giá 160 rupee (khoảng 12.000 đồng) và đứng suốt 5 giờ đồng hồ để trải nghiệm cung đường sắt huyền thoại này.

Bên cạnh tiếng Anh và xe lửa, văn hóa uống trà cũng là một di sản của đế chế Anh trên đất nước Sri Lanka.

Ai cũng biết Sri Lanka là thủ phủ của thương hiệu trà Dilmah lừng danh thế giới, người Sri Lanka cũng cực kỳ say mê món trà đen.

Dù giàu hay nghèo, phố thị hay thôn quê, trà không thể thiếu với mỗi gia đình. Họ uống trà bất kể giờ giấc, trẻ em bé xíu đã biết pha trà.

Sri Lanka vốn chỉ là một nước đang phát triển, nay lại gặp nhiều khó khăn hơn do khủng hoảng kinh tế. Nhưng ý thức bảo tồn thiên nhiên xứng đáng xếp ngang hàng với các quốc gia phát triển bậc nhất thế giới.

Người Sri Lanka không bảo tồn thiên nhiên kiểu "hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng cây trồng". Cỏ cây, hoa lá, muông thú ở đây được tự do phát triển trong sự hòa hợp với con người.

Ở làng Ambakotte-Kandy, bao quanh nhà nào cũng có một khu vườn nhỏ xanh um với đủ loại cây trồng đến cây rừng, tre trúc, chẳng khác một khu rừng nhỏ.

Hôm đến Udewalewa, tôi trầm trồ kinh ngạc khi thấy những chú chim công thản nhiên băng qua đường, thong dong trên các thửa ruộng hoặc lóc cóc trong các khu vườn.

Nhưng người dân ở đây xem chuyện đó là bình thường, chim công cũng như chim sẻ, chích chòe, thậm chí gà vịt.

Hồ nước ở trung tâm thành phố Kandy có những đàn cò vạc đủng đỉnh đi kiếm ăn, một chú kỳ đà to đùng nằm vắt vẻo ở cành cây trên mặt nước giương mắt nhìn dòng người qua lại.

Thiên nhiên độc đáo với tôi bao nhiêu thì ẩm thực Sri Lanka khiến tôi lao đao bấy nhiêu bởi món ăn quốc hồn quốc túy mang tên cà ri.

Cà ri có mặt trong mọi bữa ăn từ sáng, trưa và chiều tối của người Sri Lanka. Các quán ăn treo băng rôn "nơi đây có buffet cà ri" như một niềm kiêu hãnh. Rau củ, thịt, cá, kể cả xoài chua đem nấu cà ri, đến món cá khô cũng được cô chủ homestay nấu cà ri.

"Bạn có phải là Phật tử không?" là lời chào hỏi phổ biến của người dân Sri Lanka. Với gần 70% dân số theo Phật giáo, Sri Lanka có rất nhiều chùa với màu sơn trắng đặc trưng và cây bồ đề trước sân.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lồng trong các khung kính ở góc phố hay ở các không gian công cộng là hình ảnh thường thấy.

Chùa ở Sri Lanka không chỉ là chốn tâm linh mà còn là không gian văn hóa cho cả người lớn và trẻ em. Ngôi chùa Việt Nam mang tên Trúc Lâm tại làng Ambakotte (ngoại ô thành phố Kandy) lúc nào cũng có tiếng đám trẻ.

Chúng thường đến chùa quét dọn, làm vườn, dâng hoa cúng Phật. Chiều tối, người lớn và trẻ em đến chùa đọc kinh, ngồi thiền, học hát, học tiếng Việt với các sư người Việt.

Tôi có dịp theo chân thầy trụ trì chùa Trúc Lâm đến một trường cấp II ở thành phố Kandy để hướng dẫn thiền cho học sinh. Hàng trăm em nhỏ ngồi ngay ngắn, yên lặng hành thiền. Hạt mầm từ bi, trí tuệ ươm mầm trong cộng đồng một cách tự nhiên và an lành.

Khi thấy tôi một mình thuê xe khám phá thành phố, anh lái xe tuk tuk ở Colombo áy náy mãi vì cảm thấy tôi trả tiền quá nhiều.

Anh ghi số điện thoại rồi bảo tôi có bất cứ khó khăn gì thì gọi: "Lúc về mà bạn không còn tiền thì tôi đưa bạn ra sân bay miễn phí, nhớ nhé!".

Một tài xế taxi ở Kandy dẫn tôi vào cửa hàng viễn thông mua sim điện thoại, giúp tôi đăng ký sim chỉ vì không muốn tôi lo lắng khi mua sim ở cửa hàng bán lẻ. Người chủ homestay phát hiện đến sinh nhật của tôi đã kéo cả gia đình đến chúc mừng rồi an ủi tôi đừng buồn vì sinh nhật xa nhà!

Cô chú chủ nhà ở vùng Unawatuna chạy ra lấy quần áo đang phơi rồi gấp ngay ngắn đặt trước cửa phòng vì tôi đi vắng khi trời đổ mưa bất chợt.

Khi tôi bảo mình không còn đủ tiền để đặt gia đình nấu ăn thì cô chú nói "nhà sẽ nấu cho con, gia đình ta ăn gì con ăn đó". Và đó là bữa ăn rất tươm tất đủ đầy, có cả trà, cà phê và trái cây.

Nội dung:
TÚ NGUYỄN
Thiết kế:
VÕ TÂN

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-25T00:38:52Z dg43tfdfdgfd