CHàNG VIệT KIềU BáM BảN, THựC HIệN HOàI BãO đưA NôNG SảN VIệT RA THế GIớI

Sau hơn 2 thập kỉ sinh sống ở nước ngoài, chàng Việt kiều Daniel Nguyễn Hoài Tiến đã lựa chọn trở về Việt Nam để khởi nghiệp với nguồn nông sản bản địa của đồng bào dân tộc miền núi. PV Báo Lao Động đã có buổi trò chuyện với Daniel Nguyễn Hoài Tiến về những hoài bão mang nông sản Việt ra bàn ăn thế giới.

Sau hơn 20 năm sinh ra và lớn lên ở Mỹ, động lực nào đã thôi thúc anh quay lại gắn bó với mảnh đất hình chữ S để khởi nghiệp?

- Động lực lớn nhất thôi thúc tôi trở lại Việt Nam đến từ chuyến công tác về Việt Nam (đồng tổ chức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Chính phủ Mỹ và tổ chức Oxfarm). Trong chuyến đi đó, tôi đã may mắn được tiếp xúc với bà con nông dân từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến miền núi phía Bắc. Tôi nhận thấy những kinh nghiệm của mình về thị trường nông sản của châu Âu có thể hỗ trợ bà con có việc làm, nâng cao chất lượng sản xuất nông sản Việt Nam. Tôi mong muốn những đóng góp của mình có thể nâng cao hình ảnh, văn hóa và vị thế các sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong quá trình nghiên cứu làm việc với đồng bào ở vùng sâu vùng xa phát triển thương hiệu, anh có gặp khó khăn gì không?

- Xét về mặt địa lý thì phần lớn diện tích của Việt Nam là đồi núi cao nguyên nên miền núi đóng vai trò rất quan trọng đối với đa dạng sinh thái của Việt Nam. Đồng nghĩa với việc ở đây có đa dạng giống nông sản bản địa quý tạo ra lợi thế đối với đa dạng sinh thái và tiềm năng kinh tế cao.

Tuy nhiên, nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa ở miền núi chưa phát triển, thiếu cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, ở những khu vực này sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí vận chuyển (logistic). Nguồn điện, nước đôi lúc không có, không ổn định, chất lượng không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

Ngoài ra, chưa có cơ chế ưu đãi liên quan đến thuế, thủ tục hành chính cho người dân ở khu vực miền núi. Việc này khiến họ khó tham gia vào thị trường chính ngạch, dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không có định hướng phát triển thương hiệu để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong thời gian tới, ông có kế hoạch cụ thể ra sao để phát triển thị phần thương hiệu Sông Cái Distillery làm từ nguồn nông sản Việt ra thế giới?

- Trong thời gian tới Sông Cái Distillery sẽ có thêm các dòng sản phẩm mới làm ra từ giống ngũ cốc (ngô, lúa nếp) và hoa quả đã được cấp chỉ dẫn địa lý của Việt Nam như Ổi Đông Dư, bưởi Diễn, nếp Cái Hoa Vàng. Các sản phẩm sắp tới mang yếu tố truyền thống của Việt Nam sẽ giới thiệu về nông sản và cả kỹ thuật truyền thống trong ngành thức uống có cồn của Việt Nam đến quốc tế.

Việt Nam cần làm gì để có thể đẩy mạnh đưa nông sản Việt vươn xa trên bàn ăn thế giới, thưa ông?

- Việt Nam cần học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước như Pháp, Ý, và Nhật Bản về cách tổ chức chỉ dẫn địa lý. Ngoài chương trình OCOP, tôi nhận thấy chỉ dẫn địa lý mang lại hiệu quả rất tốt.

Chỉ dẫn địa lý giúp bảo tồn giống và văn hoá bản địa của các vùng thay vì chia nhỏ sản phẩm ra từng xã. Chỉ dẫn địa lý sẽ giúp bà con các vùng đoàn kết, tiếp cận trực tiếp đến các thị trường lớn để tăng trưởng giá trị nông sản thay vì chỉ xuất khẩu nông sản thô. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải đồng hành bằng cách bảo vệ chỉ dẫn địa lý, cùng các doanh nghiệp tham gia và thực hành những chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Daniel Nguyễn Hoài Tiến cũng là một trong 100 người Việt Nam và gốc Việt tiêu biểu trên khắp thế giới sẽ có mặt tại Paris, Pháp vào ngày 30-31.3.2024 để tham dự Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024. Diễn đàn do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-03-29T00:02:33Z dg43tfdfdgfd