CON đếN TUổI đI HọC, CôNG NHâN đắN đO CHUYệN đóN CON LêN THàNH PHố ở CùNG

Nhiều công nhân mong muốn đón con lên thành phố ở cùng để tiện chăm sóc, kèm cặp. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của các công nhân này là tìm được cơ sở giữ trẻ đủ uy tín cũng như nằm gần các khu công nghiệp để tiện đưa đón, an tâm gửi con.

Gửi con cho người thân chăm sóc

Rời quê lên Cần Thơ làm công nhân, chị Phạm Thị Thùy Linh - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - phải nén nỗi nhớ con mà để cháu ở nhà cho người thân chăm sóc. Nguyên nhân là vì bản thân chị gặp khó trong việc tìm kiếm một cơ sở giữ trẻ phù hợp với kinh tế của gia đình.

“Là mẹ đơn thân, để có tiền nuôi con cũng như trang trải cuộc sống, tôi phải rời quê lên thành phố làm công nhân. Tuy nhiên, do con còn nhỏ, chưa đủ tuổi để xin vào trường công lập, còn nếu gửi ở các cơ sở tư nhân thì kinh tế gia đình không cho phép. Chưa kể, tôi cũng khó lòng an tâm vì không biết các cơ sở giữ trẻ tư nhân có đủ uy tín hay không. Nên suy đi nghĩ lại, tôi để cháu dưới quê cho dì chăm sóc”, chị Linh chia sẻ.

Vì tính chất công việc cộng thêm không an tâm với các cơ sở giữ trẻ tự phát nên anh Hoai - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - cũng gửi con ở quê cho người thân chăm sóc. Theo đó, chỉ những dịp lễ, Tết, vợ chồng nam công nhân mới về nhà thăm con.

“Khi vợ chồng tôi quyết định đến Cần Thơ làm, con còn nhỏ, nếu đưa lên ở cùng thì khó xin vào trường công lập vì chưa đủ tuổi. Còn nếu gửi con ở các nơi giữ trẻ tư nhân thì tôi lại lo lắng cho sự an toàn của cháu. Vì hoàn cảnh gia đình cũng như khó khăn trong việc tìm nơi gửi con nên cuối cùng vợ chồng tôi buộc lòng để cháu ở quê cho ông bà nội chăm hộ. Cả năm, chỉ có lễ, Tết, chúng tôi mới về quê thăm cháu rồi lại trở lên Cần Thơ đi làm”, anh Hoai tâm sự.

Mong muốn về một nơi giữ trẻ an toàn

Con ngày một lớn, chị Linh có ý định sang năm sẽ đón cháu lên ở cùng. Vì là mẹ, chị luôn muốn ở gần con để tiện chăm lo việc ăn uống, kèm cặp học hành. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với nữ công nhân hiện tại là tìm được một nơi gửi con phù hợp với tính chất công việc và kinh tế gia đình.

“Dì cháu ở quê gần đây sức khỏe không được tốt nên tôi dự định sang năm sẽ rước con lên ở cùng. Công việc của tôi không tăng ca nhưng phải đi sớm, trong khi các trường công lập thì khá xa, ngược đường với chỗ làm. Vì vậy, tôi rất mong muốn nhà nước, địa phương sẽ quan tâm vấn đề này và sớm đầu tư xây dựng các cơ sở giữ trẻ an toàn gần khu công nghiệp để công nhân chúng tôi có thể an tâm gửi con và đi làm, cải thiện cuộc sống”, chị Linh bày tỏ.

Con đến tuổi đi học, trong khi sức khỏe ông bà thì ngày một yếu, vợ chồng anh Hoai cũng dự định đón con lên thành phố ở gần cha mẹ. Tuy nhiên, điều khiến nam công nhân trăn trở là làm sao tìm được một nơi đủ uy tín cũng như có giờ giấc phù hợp gửi để gửi con cho vợ chồng đi làm.

“Vì sự an toàn của con, đương nhiên vợ chồng tôi muốn gửi con vào các cơ sở công lập. Nhưng gia đình không có hộ khẩu trong khu vực nên cũng e ngại sẽ khó xin nhập học. Thêm vào đó, trường công thì cách nhà trọ đang ở khá xa, muốn đưa, đón cháu đi học cũng hơi bất tiện. Cho nên, chúng tôi đang rất hy vọng gần các khu công nghiệp, nhà nước, địa phương sẽ đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường học… để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân”, anh Hoai nói.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-04T00:46:52Z dg43tfdfdgfd