CùNG CON CHọN TRườNG: ĐồNG HàNH CHứ đừNG LàM THAY CON

Phụ huynh luôn quan tâm đến chuyện con sẽ học ngành nào, chọn trường nào, đặc biệt khi mùa thi cử, tuyển sinh đang sắp bước vào cao điểm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng nhiều phụ huynh đang gặp phải những thách thức khi đồng hành cùng con trong bối cảnh có quá nhiều kênh tiếp cận thông tin như hiện nay.

Khi có nhiều thông tin lệch chuẩn

* Đâu là những vấn đề các phụ huynh thường băn khoăn khi đồng hành cùng con chọn ngành chọn trường, thưa ông?

- Sau nhiều năm tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, đặc biệt là các chương trình và ngày hội do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, cá nhân tôi nhận thấy số lượng phụ huynh tham gia ngày càng đông.

Điển hình mới đây tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), phụ huynh đến đặt câu hỏi ở khu vực tư vấn chung còn nhiều hơn cả học sinh. Các cha mẹ đều đưa ra những câu hỏi sâu sắc, có những nhận định thú vị.

Sự quan tâm của phụ huynh rất rộng, từ phương thức, quy trình xét tuyển của các trường đại học đến quy định tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Phụ huynh quan tâm chi tiết đến những chương trình học, ngoài chương trình đại trà còn có chương trình liên kết quốc tế, tiếng Anh toàn phần, bán phần.

Nhiều cha mẹ còn muốn biết thêm cơ hội nghề nghiệp, băn khoăn một số ngành nghề truyền thống liệu có bị mai một khi công nghệ đang xen vào mọi lĩnh vực. Một số câu hỏi cũng khá phổ biến như con học ngành này sẽ có việc làm không, học ngành kia có dễ thất nghiệp không...

* Theo ông, vì sao phụ huynh lại ngày càng quan tâm đến chuyện hướng nghiệp của con?

- Đó là một dấu hiệu tích cực vì phụ huynh ngày càng quan tâm đến việc học hành của con cái. Tôi nghĩ trước hết là vì cơ hội vào đại học hiện rộng hơn so với trước đây. Thí sinh có nhiều cách, phương thức, nhiều con đường vào đại học hơn.

Tuy nhiên, mặt trái là tạo ra sự phức tạp. Quyết định chọn ngành, chọn trường trở thành đáp án như một phương trình có quá nhiều biến số. Trong khi đó, thí sinh lớp 12 thường phải dồn sức vào học hành, thi cử, nhất là trong giai đoạn nước rút. Nên nhiều cha mẹ sẽ quan tâm, suy nghĩ "phụ" con trong các quyết định chọn ngành, chọn nghề.

Cũng phải nói thêm, ngày nay khả năng tiếp cận thông tin của phụ huynh rất dễ dàng. Nếu cần thông tin, phụ huynh chỉ việc lên mạng tra cứu. Nhưng bên cạnh sự tiện lợi là rủi ro tiếp cận thông tin không chính thống rất cao.

* Vậy thì phụ huynh nên làm sao?

- Tôi nghĩ những kênh tiếp cận thông tin một cách chính thống sẽ rất hữu ích trong thời điểm này, đặc biệt những chương trình giúp phụ huynh có thể gặp trực tiếp chuyên gia tư vấn tuyển sinh từ các trường đại học như chương trình "Cùng con chọn trường". Không phải lúc nào phụ huynh cũng có cơ hội để nghe những giải thích, giải đáp trực tiếp từ các thầy cô giáo.

Vì vậy, tham gia chương trình giúp phụ huynh được tiếp xúc trực tiếp với các thầy cô giáo ở các trường, nghe giải đáp một cách cặn kẽ, chính xác và thiết thực những vấn đề mình đang băn khoăn khi hướng nghiệp cùng con.

Bản thân tôi cũng thấy các chương trình tư vấn rất bổ ích. Bởi ngoài là một chuyên gia tư vấn tuyển sinh, tôi cũng đang là phụ huynh. Khi nghe câu hỏi từ các phụ huynh khác, và phần trả lời từ các thầy cô giáo, tôi học được rất nhiều điều. Tôi thu được cho mình nhiều kinh nghiệm bổ ích để có thể đồng hành cùng con cái trong tương lai.

Nhiều clip TikTok, Facebook từ những người không am hiểu đưa ra các nhận định lệch chuẩn, khiến không ít phụ huynh bị chi phối.
GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Đi tìm giao điểm của 4 đường thẳng

* Theo ông, đâu là ranh giới giữa việc đồng hành cùng con và quyết định thay con, thưa ông?

- Đây là một trong nhiều vấn đề tôi nhận thấy đã dấy lên sự quan tâm gần đây, nhưng vẫn còn nhiều cách tiếp cận khác nhau. Quan điểm của tôi là cha mẹ nên đóng vai trò là một người đưa ra lời khuyên, để con có thể kết hợp đúng đắn những yếu tố cân nhắc trước khi tự quyết định cho mình.

Cụ thể, tôi nghĩ quyết định chọn ngành học là giao điểm của bốn đường thẳng khác nhau. Đường thẳng thứ nhất là năng lực, năng khiếu, đặc điểm bản thân của từng bạn: có bạn có lợi thế về khoa học xã hội, có bạn mạnh về khoa học tự nhiên, về nghệ thuật, ngôn ngữ. Tôi gọi đó là tố chất của từng thí sinh.

Đường thẳng thứ hai là hoàn cảnh gia đình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có gia đình có một ngành, nghề truyền thống, có gia đình đang có một cơ nghiệp riêng... Nếu lựa chọn được một ngành học tương thích với nền tảng gia đình đang có chắc chắn cũng sẽ tạo được lợi thế không nhỏ cho các bạn.

Đường thẳng thứ ba là điều kiện kinh tế. Ngành học, trường học mà các bạn lựa chọn liệu có vừa sức chi trả của gia đình hay không? Ngược lại, những gia đình có điều kiện tốt hơn, liệu có nên cân nhắc những chương trình khác ngoài chương trình đại trà như chương trình tiên tiến, quốc tế hay không?

Đường thẳng cuối cùng là cơ sở giáo dục đào tạo cung cấp ngành học đó. Ngành học mà bạn đang cân nhắc đang được các trường dạy tốt hay không? Điều kiện vào được trường đó có phù hợp với bạn không?

Phân tích bốn yếu tố ấy và tìm được giao điểm của bốn đường thẳng, thí sinh sẽ tìm được một ngành học phù hợp. Và lời khuyên của phụ huynh sẽ giúp các em có thêm nhiều góc nhìn, tối ưu hóa hiểu biết của các em về bốn yếu tố trên, từ đó tự tin đưa ra quyết định cuối cùng cho mình.

8h30 sáng chủ nhật 21-4, chương trình tư vấn đặc biệt dành cho phụ huynh với chủ đề "Cùng con chọn trường", được báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Đại học Kinh tế TP.HCM (cơ sở B - 279 Nguyễn Tri Phương, phường 5, quận 10, TP.HCM) với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Chương trình có sự tham gia tư vấn trực tiếp của đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT).

Các chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM và gần 20 trường đại học, cao đẳng lớn tại TP.HCM cũng sẽ góp mặt tại chương trình, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi cho phụ huynh.

Phụ huynh, học sinh tham dự miễn phí.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-20T03:09:10Z dg43tfdfdgfd