VăN HóA PHảI đượC THụ HưởNG, TạO độNG LựC, TRUYềN CảM HứNG BởI MọI NGườI DâN

Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chiều 19.4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người có uy tín tiêu biểu có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời chào thân ái, lời chúc sức khỏe, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, văn hóa các dân tộc không chỉ là tài sản riêng của mỗi con người, vùng đất, quê hương, địa phương mà là tài sản chung của cả quốc gia, dân tộc, của toàn dân.

Văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng, là nguồn lực và sức mạnh mềm để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Mỗi dân tộc anh em đều gìn giữ kho tàng văn hóa quý báu, có bề dầy lịch sử và đậm đà bản sắc.

Những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú luôn nặng lòng với văn hoá truyền thống, văn hoá nguồn cội, như ông Lò Văn Lả (dân tộc Thái tỉnh Sơn La), ông Vi Văn Sang (dân tộc Khơ Mú tỉnh Yên Bái), bà Nguyễn Thị Quỳnh (dân tộc Kinh, tỉnh Bắc Ninh) - những người đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ, biên soạn, thực hành di sản văn hóa dân tộc và luôn trăn trở, suy nghĩ tìm mọi cách trao truyền, hướng dẫn con cháu, các lớp thế hệ trẻ.

"Và còn rất nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu khác đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu, sáng tác, luyện tập, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cho sự trường tồn và phát triển của đất nước", Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng nhấn mạnh, văn hóa là những gì tinh túy, tinh hoa, cốt lõi nhất của dân tộc, của xã hội, của mỗi người. Văn hóa có tính dân tộc, khoa học và đại chúng. Văn hóa phải được thụ hưởng, tạo động lực, truyền cảm hứng bởi mọi người dân.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ trong phát triển văn hóa; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo dục văn hóa truyền thống, tích cực tích hợp chủ đề văn hóa truyền thống vào chương trình giáo dục cơ bản các cấp; đồng thời khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực này.

Thứ hai, huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công-tư; khuyến khích sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển văn hóa; phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo. Thúc đẩy tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội và sự kiện cộng đồng để tăng cường nhận thức và niềm tự hào về di sản.

Thứ ba tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với cơ chế quản lý phù hợp, xứng đáng là "Ngôi nhà chung" của 54 dân tộc anh em.

Thứ tư, nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi để khuyến khích già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín thực hiện hiệu quả chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển văn hóa; phát triển hạ tầng văn hóa, khẩn trương khắc phục các vùng lõm về điện và sóng tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh từ các nền văn hóa khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đẩy mạnh việc quốc tế hóa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-19T12:15:36Z dg43tfdfdgfd