XA CHA Mẹ, CON CôNG NHâN đốI MặT VớI NHIềU THIệT THòI

Mưu sinh xa quê, nhiều vợ chồng công nhân đành phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Phải xa bố mẹ từ khi còn nhỏ, con công nhân chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn tình thương, sự chăm sóc từ bố mẹ cũng như nhiều nguy cơ khác.

Xa chồng con, một mình thuê trọ

Sinh năm 1995, chị Hoàng Thị Vinh (quê Thanh Hóa) đang mang bầu đứa con thứ 3. Chị Vinh là công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Vì cuộc sống mưu sinh, chị để 2 con ở nhà cho chồng và ông bà chăm sóc, còn chị một mình thuê trọ ở gần nơi làm việc đã nhiều năm nay. Đồng lương công nhân có hạn, chị không thể đón 2 con ra ở cùng. Cuộc sống ở trọ cũng thiếu thốn không thể đảm bảo cho con có cuộc sống tốt, chị đành chấp nhận xa con.

Chị Vinh cho biết, điều dằn vặt nhất khi không thể ở bên con là những lần con ốm, hay những lúc chúng tủi thân. “Tôi luôn nghĩ về con nhưng chúng còn quá nhỏ, không thể hiểu hết được tình cảm của mẹ. Thi thoảng con vẫn trách móc tôi sao đi làm xa lâu về” - chị Vinh kể. Chị Vinh hiểu rằng, con xa mẹ sẽ thiếu thốn nhiều thứ, nhất là về mặt tình cảm. Tuổi thơ của con cũng chỉ có ngần ấy năm, sau này muốn bù đắp cũng khó.

Trước đây công ty nhiều việc, công nhân lâu năm như chị mới nhận được mức lương 10 triệu đồng/tháng. Hiện tại, chị Vinh mang bầu nên chỉ làm giờ hành chính, tiền lương nhận về chỉ lương cơ bản 7 triệu đồng mỗi tháng. Chị Vinh dự định sắp tới nghỉ thai sản sẽ xin nghỉ việc hẳn công ty rồi về quê sum họp bên gia đình.

Công nhân không được gần gũi với con hằng ngày

Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) cho biết, gửi con nhỏ về quê là lựa chọn đầu tiên của công nhân nếu ông bà ở quê có điều kiện và thời gian để chăm con.

Điều này giúp cho công nhân toàn tâm toàn ý cho công việc, ngay cả tăng ca tới khuya. Đặc biệt, ở các doanh nghiệp trả lương theo sản phẩm, công nhân thường làm việc hết sức để có sản lượng nhằm có mức lương cao, nên hết ngày làm việc họ thường mệt và không còn sức khỏe chăm con.

“Tuy nhiên, con nhỏ ở xa bố mẹ dài ngày cũng đặt ra vấn đề về mối liên hệ giữa bố mẹ và con cái, cũng như cơ hội giáo dục, dạy dỗ và yêu thương con cái của bố mẹ. Công nhân hàng ngày không được trò chuyện, gần gũi với con, không biết con ăn ở, vui chơi, học hành như thế nào, không được chứng kiến, chăm sóc, dạy bảo con kịp thời.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm và sự gắn kết gia đình. Họ chỉ còn có thể quan tâm tới con bằng cách gọi video qua điện thoại để khắc phục phần nào khoảng cách với con nhưng chắc chắn không thể bằng việc chăm sóc con trực tiếp” - bà Phạm Thị Thu Lan nói.

Vì vậy, theo bà Lan, để khắc phục các nguy cơ này, ngoài việc vẫn phải cố gắng làm việc, chắt bóp để có tiền gửi về quê nuôi con, đóng học phí cho con, công nhân còn cố gắng để có tiền chi phí tàu xe về quê thăm con thường xuyên mỗi khi có thể. Nhưng mỗi lần về quê khá tốn kém vì còn phát sinh cả chi phí quà cáp mỗi khi về. Vì vậy, việc nhiều công nhân phải gửi con về quê là một vấn đề đáng quan tâm và chưa đánh giá được hậu quả xã hội về lâu dài.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-20T04:27:02Z dg43tfdfdgfd