CHUYệN CHưA Kể Về đứA TRẻ 43 NăM LạC CHA

Sau 43 năm thất lạc, người con trai đã tìm về quê hương trong niềm khắc khoải mỏi mòn của người cha tuổi đã gần đất xa trời.

Nhà mình đoàn tụ rồi, không khóc nữa, chỉ vui thôi.
Anh NGUYỄN VĂN TỪ

Vừa thấy dáng con về, ông Dụ khóc nấc như một đứa trẻ. Hai cha con ôm chầm lấy nhau như sợ phải lìa xa lần nữa.

Ước nguyện cuối đời của cha già

Ông Dụ năm nay đã 87 tuổi, sức cùng lực kiệt, không còn đủ sức ra tận ngõ để đón đứa con 43 năm không gặp của mình. Nhưng ông vẫn cố ngồi bật dậy khi thấy bóng dáng đứa con lạc cha lúc bước vào nhà.

"Con ơi, con ơi. Cuối đời cũng gặp được con rồi" - ông Dụ khóc nghẹn rồi đưa đôi tay chai sần miết vào thân thể người con trai như muốn xác thực xem mình đang ở hiện thực hay là mơ.

Anh Nguyễn Văn Từ, người con của ông, cũng xúc động không kém khi gặp lại cha sau 43 năm. Anh cũng không cầm được nước mắt và lao vào ôm chặt cha mình như sợ rời xa.

Biết tin anh Từ tìm về, những người anh, người chị của anh từ Vũng Tàu, Đắk Lắk cũng đã đón xe về chờ ở nhà từ trước. Mấy anh em cũng ôm chặt nhau từ khi anh Từ vừa bước xuống xe...

Trong phút chốc, những ký ức của 43 năm trước ùa về ngôi nhà nhỏ. Năm 1981, ông Dụ đưa anh Từ khi đó mới 10 tuổi cùng một người chị gái vào miền Nam thăm bà con. Sau đó, anh Từ được một người bà con khác ở Châu Đốc (An Giang) nhận nuôi.

Cũng từ đây, cuộc đời anh Từ bắt đầu trôi dạt.

"Về An Giang sống với người bà con được vài tháng, tui bất ngờ bị lạc. Thời điểm đó An Giang hoang vắng, đường sá xe cộ đều hiếm. Tui không biết đường về nhà và cứ đi bộ", anh Từ kể.

Bước chân đứa trẻ 10 tuổi giữa miền đất lạ thời điểm đó chỉ biết đi về phía trước. Đói thì ghé vào nhà dân hai bên đường xin ăn. Khát thì xin nước uống. Đêm về anh tấp vào chợ ngủ. Nhờ lòng tốt của người dân hai bên đường mà đứa trẻ 10 tuổi đó sống sót qua ngày.

Khoảng 10 ngày sau khi đi lạc, anh Từ đi tới chợ Long Xuyên. Sống lay lắt ở chợ này được vài ngày thì một ngã rẽ đến với cuộc đời anh. Một chủ sạp hàng ở chợ này thấy đứa trẻ ăn xin không nơi nương tựa thì mủi lòng.

Người này nói cha mẹ mình ở Cần Thơ đang cần người giúp chăm sóc vườn. Bơ vơ không nơi nương tựa, anh Từ gật đầu lên xe cùng người phụ nữ về Cần Thơ.

Tại đây, anh Từ bắt đầu cuộc sống tạm gọi là có nhà. Anh được hai ông bà chủ vườn cho ăn ở và đổi tên họ thành Trần Văn Được.

Nghe anh Từ kể về những năm tháng phiêu bạt khi thất lạc, ông Dụ và các anh chị lại nấc nghẹn. Những bàn tay lại siết chặt lấy nhau.

"Sao em không tìm về với cha, với gia đình em ơi?", người chị gái nói trong tiếng khóc.

Đau đáu hình bóng quê nhà

Ở với hai ông bà tại Cần Thơ đến năm 27 tuổi thì cả hai qua đời. Anh Từ quyết định rời Cần Thơ lên Tây Ninh lập nghiệp.

Lưu lạc nổi trôi suốt tuổi thơ, anh không được đi học nên không biết chữ. Anh cũng không có giấy tờ tùy thân gì nên anh xin vào làm việc cho một lò gạch để nuôi bản thân trong những năm tháng ấy.

Anh Từ nói mình nhớ quê hương, nhớ cha mẹ và các anh chị lắm. Khi nào anh cũng muốn tìm về nhưng khi đó đứa trẻ 10 tuổi chỉ nhớ được quê mình ở khu vực Bình Trị Thiên, nhớ tên cha mẹ và tên các anh chị. Nhưng anh không nhớ cụ thể là ở chỗ nào để tìm về.

Ở quê nhà, ông Dụ khi biết tin con bị thất lạc từ người bà con báo về thì lòng như lửa đốt. Liên tục những năm tháng ấy ông đón xe vào Nam đi khắp nơi tìm con.

Bước chân của người cha có khi đến An Giang, ở rất gần nơi anh Từ đang lưu lạc, nhưng số phận vẫn ngoảnh mặt nên hai cha con vẫn không gặp được nhau.

"Cứ kiếm được chút tiền là ông nhảy xe vào Nam tìm con. Ông đi mỗi năm vài lần như rứa. Thậm chí đến những năm đã ngoài 70 tuổi ông vẫn không nguôi ngoai nên vẫn đi tìm" - chị Hương, chị gái anh Từ, nghẹn giọng kể.

Đằng đẵng suốt bao năm, ông Dụ vẫn luôn thấy lòng nhói đau khi nghĩ về đứa con thất lạc. Cuối đời, ông vẫn luôn dằn vặt bản thân vì nghĩ mình đưa con vào Nam nên mới mất con. Ở tuổi gần đất xa trời, ông chỉ có một ước nguyện cuối cùng là được gặp lại con dù chỉ một lần.

Năm 2016, mấy chị em của anh Từ biết đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nên gửi thư đến nhờ tìm em. Việc thay tên đổi họ của anh Từ đã khiến việc tìm kiếm có lúc rơi vào vô vọng.

Cùng thời điểm đó, vọng thức về quê hương như trỗi dậy nên anh Từ cũng đi đăng ký tìm người thân ở chương trình này.

Năm 2020, một tai nạn giao thông tưởng chừng đã kết thúc giấc mơ được trở về quê của anh Từ. Anh phải nằm liệt giường cả năm trời với khuôn mặt biến dạng. Nhưng khi ngồi dậy được, anh lại tiếp tục gọi đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly để nhờ tìm người thân.

Từ những đặc điểm mà ký ức anh Từ nhớ được và đến đầu năm 2024, chương trình đã tìm ra mối liên quan giữa hai lá thư tìm người thân này.

Một cuộc gọi từ chương trình về nhà ông Dụ. Bức ảnh giống nhau như hai giọt nước giữa anh Từ và anh Thư - người anh trai kế - đã mang lại hy vọng cho những người kết nối.

Câu hỏi quan trọng nhất là đặc điểm nhận dạng riêng của anh Từ. Và khi gia đình nhắc đến ngón tay út bị đứt phần đầu thì người phía chương trình đã không còn nghi ngờ nữa.

Cuộc đoàn tụ tưởng như chỉ có trong tưởng tượng đã diễn ra vào những ngày cuối tháng 4-2024. Sau 43 năm biền biệt, đứa trẻ 10 tuổi thất lạc đã được trở về quê nhà.

Sau phút giây trùng phùng xúc động, mấy cha con ông Dụ dẫn nhau ra bờ sông Gianh sau nhà. Đây là hình ảnh duy nhất ký ức anh Từ còn lưu lại về quê hương từ khi thất lạc.

Từ những đứa trẻ, khi gặp lại nhau những người anh em ruột thịt đã tóc bạc da mồi nên nước mắt vẫn rơi.

Về quê ở bên cha được gần một tuần, anh Từ phải gạt nước mắt bịn rịn khăn gói trở lại Tây Ninh. Cả vợ và con anh đều đang ở đó.

Anh Từ có một người anh trai là Nguyễn Văn Thư đang sống tại Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Người anh trai này cũng muốn gia đình anh Từ về sống gần để tiện qua lại chăm sóc. Nhưng trước mắt anh Từ vẫn ở Tây Ninh.

Điều anh lo lắng nhất là sau tai nạn, anh không còn lao động được. Vợ anh cũng không có nghề nghiệp. Đứa con trai đầu mới học lớp 9 đã phải nghỉ học thay cha đi làm công nhân. Cuộc sống cả nhà đang khá bấp bênh.

"Đến khi con gái út nghỉ hè, tui sẽ đưa cả vợ con cùng về thăm quê cha đất tổ", anh Từ xúc động nói.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-05T23:34:47Z dg43tfdfdgfd