Vì SAO DU LịCH HộI AN đượC TâY KHEN HếT LờI TRONG KHI 'TA' CHê Tả TơI?

Những ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5, dòng khách ùn ùn dồn vào phố cổ Hội An. Không ít khách Việt sau khi trở về đã bày tỏ sự chưa hài lòng thì ở chiều ngược lại, khách quốc tế lại khen hết lời.

Thành phố của những danh hiệu

Không ai kiểm đếm được mỗi năm phố cổ Hội An nhận được bao nhiêu danh hiệu, các giải thưởng.

  • Một khách sạn ở Hội An đỏ rực ấn tượng với 80 lá cờ Tổ quốc

  • Nắng như thiêu, du khách tới Hội An chỉ dám ra đường vào chiều tối

  • Huyền thoại quần vợt Roger Federer có mặt tại Hội An

Nhưng nếu để ý kỹ thì rất dễ nhận thấy tất cả các danh hiệu, giải thưởng này đều do các tổ chức quốc tế mà đa phần là các tạp chí, tổ chức ở Châu Âu, Úc, Mỹ… bình chọn.

Du lịch Hội An rất khác với những điểm đến các nơi. Từ văn hóa, đời sống, tính cách người dân Hội An cho tới các di tích, di sản, quy mô diện tích hành chính Hội An, các sản phẩm du lịch…

"Nhiều khách Việt ra đồng lúa thấy các tour như đưa trâu lội sông, tát nước cùng nông dân, trải nghiệm làm đồng… Khi chứng kiến xong họ về và nói không có gì để xem.

Bởi người Việt mình không lạ lẫm với đồng quê, ruộng lúa. Trong khi Tây lại khác" - ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND thành phố Hội An nói.

Du lịch Hội An hiện nay nổi lên ba nhóm sản phẩm chính: trải nghiệm tham quan di sản trong khu phố cổ, du lịch làng nghề.

Nhóm cuối cùng đang gây "bão gió" nhiều nhất khiến khách Tây mê đắm là du lịch trải nghiệm đồng quê, một ngày làm nông dân cùng bà con Hội An.

Trong cả ba nhóm sản phẩm này, người Việt và một số khách từ các nước châu Á lại không quá xa lạ. Trong khi Tây tới Hội An thấy con trâu, thấy nông dân làm ruộng, nấu cơm bằng khói rơm thì họ "ồ" lên kinh ngạc.

Nhìn lại lịch sử du lịch Hội An cho thấy chính lựa chọn, nhu cầu của khách đã tạo ra sản phẩm. Di sản phố cổ Hội An là lý do để khách đến (đa phần là khách quốc tế).

Nhưng những tư vấn và mong muốn trải nghiệm từ khách chính là định hướng để bà con cộng đồng Hội An tạo ra sản phẩm.

Qua hàng chục năm từ khi mới manh nha làm du lịch, những sản phẩm của bà con Hội An sáng tạo ra tới nay vẫn sống khỏe. Chứng tỏ khách quốc tế thực sự có nhu cầu.

Tây đúng, hay "ta" đúng?

Dù chỉ có hơn 1.300 ngôi nhà cổ nhưng quần thể di sản và con người sinh sống trong phố cổ là một không gian đặc biệt mà cả khách trong và ngoài nước muốn tới một lần.

Hội An với không gian sâu lắng, phố cổ lẫn đồng quê, bãi biển nằm liền khối như một bức tranh xếp các gam màu liền kề. Với phần đa khách quốc tế, đây điều rất đặc biệt và gây ngạc nhiên, thích thú.

Khách nước ngoài tới Hội An đa phần đều khen ngợi, đánh giá cao. Khách sẵn sàng mua phí tham quan, họ coi đó là niềm vinh dự được đóng góp để thưởng cho nỗ lực giữ di sản.

Nhưng với phần lớn lựa chọn du lịch của người Việt, một số quốc gia ở Châu Á thì lại khác. Du lịch là phải náo nhiệt, đông vui, có nhiều thứ để xem, nhìn ngắm.

Đặc biệt khách nội địa thích tắm biển, thưởng thức ẩm thực đường phố, hải sản… Những nhu cầu này thì Hội An có nhưng quy mô quá nhỏ nên khách khi tới Hội An xong thì quay ra Đà Nẵng.

Còn du lịch nông nghiệp, làm nông hay thậm chí cả du lịch làng nghề thì chưa phải lựa chọn ưu tiên.

Một yếu tố chi phối tới nhận định của khách khi tới Hội An là chuyện giá cả. Mới đây Hội An nhận danh hiệu "Thành phố du lịch rẻ nhất đối với du khách Anh" (60 USD/lần tham quan) thì từ sau dịp 30-4, càng nhiều hơn những khách Việt phàn nàn rằng giá cả ở Hội An đắt vô lý.

Thu nhập bình quân lẫn lựa chọn sản phẩm hàng hóa trong mỗi chuyến du lịch của khách nước ngoài với khách Việt còn rất cách biệt. Do đó đứng ở hướng nào cũng thấy so sánh đắt rẻ rất khó có cái nhìn chung.

Hội An quá nhỏ, quá bé, quá mong manh để làm chỗ tới cho tất cả

Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn nói Hội An đang rất cố gắng để tạo ra các tiện ích, sản phẩm trải nghiệm thu hút du khách. Nhưng thế mạnh vẫn là dòng khách quốc tế, do đó các sản phẩm cũng như định hướng nhất quán là hướng tới dòng khách này.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng nói du lịch Quảng Nam vẫn còn đang ở giai đoạn khó khăn.

Ngành du lịch đang nỗ lực kích cầu, mở nhiều tour mới để mời khách tới. Trong ưu tiên hiện nay là hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để đưa khách đi đường sắt và tới Quảng Nam du lịch.

"Ngành đường sắt và tỉnh đang đàm phán, thảo luận các nội dung để hợp tác mời khách đi du lịch, điểm đến là ga Tam Kỳ và ga Trà Kiệu. Hành trình tàu lửa sẽ đưa khách qua các miền di sản, các làng quê, làng nghề và địa danh nổi tiếng ở Quảng Nam" - ông Hồng nói.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-05T06:17:14Z dg43tfdfdgfd