Bí QUYếT GIúP “CHA Mẹ HạNH PHúC, CON THàNH CôNG”

Nhiều phụ huynh tâm sự có những thời điểm bị stress vì không tìm được tiếng nói chung với con cái, luôn cảm thấy có khoảng cách vô hình ngăn cách sự kết nối giữa cha mẹ và con cái.

Đi tìm tiếng nói chung

Lê Trần Tùng Linh (học sinh lớp 6 Trường THCS Thành Công, Hà Nội) cho biết, kết thúc mỗi ngày học, em thích được tâm sự với cha mẹ về những câu chuyện ở trường, những điều học được trong ngày. Tuy nhiên, cha mẹ lại thường có nhiều việc bận, ít có thời gian tâm sự cùng con.

“Em vẫn luôn mong muốn cha mẹ có nhiều thời gian hơn cho mình, nhất là vào những buổi tối cuối tuần. Em muốn được chia sẻ tâm sự cùng cha mẹ và được cha mẹ đưa 2 anh em đi chơi” – Linh cho biết.

Trong khi đó, anh Đỗ Ngọc Hoàng (phụ huynh học sinh lớp 6 Trường THCS Thành Công, Hà Nội) cho biết gặp nhiều khó khăn trong quá trình chia sẻ, tâm sự cùng con.

Anh Hoàng lấy ví dụ, có thời điểm con trai học muộn, anh lo lắng cho sức khoẻ của con nên muốn con tập trung học tập sớm để đi ngủ sớm. Tuy nhiên, con trai lại nói cần có thời gian để thư giãn sau một ngày dài học trên trường, sau đó mới bắt đầu làm bài tập.

“Buổi tối con thường xem máy tính, điện thoại sau đó đêm mới bắt đầu học. Tôi luôn lo cho việc học của con, nên muốn giục con tập trung học sớm. Trong khi đó con lại nói rằng con không tập trung được” – anh Hoàng nói, cho biết thấy hoang mang trong quá trình tìm tiếng nói chung với con trai.

Do đây là con đầu lòng của 2 vợ chồng, nên anh Hoàng luôn muốn được thấu hiểu, đồng hành cùng con - nhất là ở thời điểm hiện tại, khi con đang ở độ tuổi bắt đầu dậy thì.

“Năm nay con đang ở độ tuổi tò mò và có nhiều tư duy khác với cha mẹ. Tôi muốn tìm ra được bí quyết để cha mẹ và con cái thật sự hiểu nhau” – anh Hoàng tâm sự.

Chìa khóa để kết nối với con

Câu chuyện của Tùng Linh, của anh Hoàng được coi là câu chuyện “điển hình” của các gia đình trong thời điểm hiện tại – khi cha mẹ và con cái luôn phải cố gắng tìm tiếng nói chung. Đây cũng là lý do mới đây, Trường THCS Thành Công kết hợp cùng Công ty Cổ phần Đào tạo VietFuture tổ chức chương trình tọa đàm “Cha mẹ hạnh phúc – Con thành công”.

Tại buổi toạ đàm, diễn giả Nguyễn Công Bình - Chuyên gia tâm lý, tuổi vị thành niên; chuyên gia trị liệu tâm lý của ABNLP Hoa Kỳ cho biết, làm cha mẹ là một “công việc” không hề dễ dàng. Chính vì thế nên đôi khi sẽ không tránh khỏi có những khoảng cách vô hình, ngăn cách sự kết nối bữa cha mẹ và con cái.

Theo chuyên gia tâm lý, hiện nay vấn đề của cha mẹ là khó nắm bắt tính cách của con, thường xuyên có những mâu thuẫn với con, khó khăn khi trò chuyện cùng con. Trong khi đó, các con lại trở nên ương bướng, thay đổi tính cách ở tuổi dậy thì.

Mỗi cha mẹ cần trang bị cho các con kỹ năng tự học. Bởi khi một con người có kỹ năng tự học, thì sẽ hấp thu bất cứ thứ gì người ta thấy cần thiết cho cuộc sống của mình.

“Cái chúng ta cần mang đến cho các con là thái độ, kỹ năng và kiến thức. Có một câu chuyện mà người ta hay nói, đó là câu chuyện con cá và cần câu. Ai cũng biết rằng, để lại cho con bao nhiêu con cá thì con cũng sẽ ăn hết.

Một số cha mẹ lựa chọn để lại cho con cần câu – công cụ để con tự làm việc, tự lao động. Thế nhưng để lại cần câu liệu con có câu được cá hay không? Vậy nên, chúng ta phải để cho con kỹ năng, kiến thức và cảm hứng để câu cá” – ông Bình phân tích.

Theo chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần cho con quyền lựa chọn, để con tự ra quyết định và chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Điều này cũng giúp cha mẹ giải phóng cha mẹ khỏi sự lo lắng để được tự do. Tuy nhiên, cần đặt giới hạn cho các con trong một khuôn khổ nhất định về quy định, Luật pháp và đạo đức.

Cha mẹ cũng cần tôn trọng quyền khác biệt của con, cần nhận ra năng lực thực sự của con và ngừng so sánh. Điều này giúp con được là chính mình, khơi dậy đam mê học tập trong con.

Cuối cùng, cha mẹ cần cho “quyền được sai”. Điều này đồng nghĩa với việc đón nhận những thất bại của con như một sự tất yếu để trưởng thành, giúp con học cách tự đứng dậy sau khi vấp ngã.

Ông Bình nhấn mạnh, mỗi bậc phụ huynh cần luôn nhớ rằng mình không sở hữu con mà chỉ là người cố vấn, là bạn đồng hành của con. Cần để con tự đưa ra quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-24T09:21:31Z dg43tfdfdgfd