TRáNH TRở THàNH “XáC SốNG CôNG Sở", NHIềU LAO độNG CHọN CáCH NHảY VIệC

Khủng hoảng niềm tin, căng thẳng kéo dài, khiến chị Nhung chọn nghỉ việc, chuyển sang một công ty mới. Việc này giúp chị tránh trở thành "xác sống công sở".

Năm 2022, chị Lý Thị Nhung (nhân vật yêu cầu đổi tên) xin vào làm việc tại một công ty kinh doanh sản phẩm cho mẹ và bé. Công việc chính của chị là lên ý tưởng kịch bản, nội dung quảng cáo cho sản phẩm của công ty. Ngoài ra, chị cũng quản lý Fanpage Facebook, kênh Tiktok và YouTube cho công ty này.

Học ngành báo chí, chưa có bất kỳ kinh nghiệm gì về marketing, Lý Nhung phải học tập và rèn kinh nghiệm làm công việc này từ những việc nhỏ nhất. Khi đã có năng lực nhất định, nữ nhân viên marketing tự tin thỏa thuận lương, thưởng với công ty.

Nhận mức lương 12 triệu đồng/tháng, chị gắn bó với công ty suốt 2 năm và luôn cống hiến hết mình cho công việc. Chuyện “nhảy việc” sẽ không xảy ra nếu như chị không bị căng thẳng trong suốt thời gian dài từ lãnh đạo trực tiếp và môi trường làm việc.

Chị Nhung kể, với những bài học sẵn có, kinh nghiệm tích lũy, chị đã cố gắng truyền tải cho nhân viên mới ra trường, vào làm việc tại công ty. Bởi, bản thân chị đã từng trải qua quãng thời gian hoang mang đó. Thế nhưng, vị trưởng phòng lại cho rằng, đây là cách chị “vượt mặt” lãnh đạo. Trong buổi liên hoan sau chuyến công tác dài ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh, vị này trực tiếp nói trước toàn thể nhân viên rằng, chị Nhung không có năng lực, không tôn trọng vị sếp này.

“Ấm ức kéo dài khiến tôi quyết định nghỉ việc. Giám đốc công ty là người tuyển dụng tôi vào làm việc đã có một buổi nói chuyện để tôi suy nghĩ thật kỹ về quyết định xin nghỉ. Nhưng ngoài tiền lương, nếu không có một môi trường làm việc thoải mái, rất khó để người lao động gắn bó và phát triển năng lực của bản thân” - chị Nhung tâm sự.

Chị Nhung chỉ là một trong rất nhiều người lao động rơi vào cảnh căng thẳng kéo dài khi làm việc. Chọn nghỉ việc, chuyển sang một công ty mới giúp chị tránh trở thành "xác sống công sở".

Anphabe, đơn vị tư vấn về giải pháp Thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc đã công bố báo cáo “Xu hướng nhân tài Việt Nam - 10 năm nhìn lại”.

Suốt 10 năm qua, Anphabe đã tiến hành khảo sát chuyên sâu với trung bình 60.000 người lao động mỗi năm.

Anphabe đã chỉ ra 6 vấn đề bất biến trong nhiều sự thay đổi của thị trường nhân lực. Đơn cử như: vấn đề “thu nhập”, “cân bằng” và “ổn định” vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người đi làm. Các vấn đề này dù ở trong giai đoạn nào thì luôn có những vị trí quan trọng trong tiêu chí đi làm của người lao động.

Một vấn đề khác cũng tồn tại trong tâm lý người lao động trong thời gian qua, đó là tình trạng khủng hoảng niềm tin kéo dài. Với quá nhiều sự thay đổi, không chắc chắn trong cách quản lý và chiến lược, tương lai của doanh nghiệp khiến cho người đi làm cảm thấy hoang mang, mơ hồ. Việc này tạo nên một môi trường làm việc căng thẳng, nơi mà niềm tin và mức độ gắn kết của nhân viên đang dần biến mất.

"Zombie công sở" - "xác sống công sở" là thuật ngữ mà Anphabe đưa ra nhằm mô tả nhóm người lao động đi làm nhưng không nỗ lực làm việc, không có ý định nghỉ việc dù ít gắn kết...

Theo Anphabe, đến năm 2024, nghỉ việc thầm lặng đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Điều này nói lên tình trạng nhân viên vẫn tiếp tục làm việc nhưng không còn tập trung toàn tâm toàn ý hay đóng góp một cách tích cực cho công ty.

"Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái gắn kết và phục hồi động lực làm việc cho "zombie công sở" - nhiệm vụ lớn nhất trong quản trị nhân sự mà doanh nghiệp cần quan tâm", báo cáo của Anphabe cho biết.

Khảo sát của Anphabe cho thấy, năm 2024, dự kiến sẽ đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của "Zombie công sở", có đến 88% nhân sự được khảo sát bày tỏ ý định ở lại với doanh nghiệp.

Trên thực tế, có đến 45% nhân lực Việt Nam thể hiện sự "rất không gắn kết" hoặc "thờ ơ" với doanh nghiệp, tương ứng mức độ tự nguyện đóng góp của họ chỉ khoảng 11% và 53%, thấp hơn nhiều so với nhóm nhân viên gắn kết cao.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-25T00:03:15Z dg43tfdfdgfd